Đằng sau khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Trên thực tế, những lục đục giữa các nước vùng Vịnh từ lâu đã không còn là tin tức mới. Ngày 5-3-2014, 3 nước Saudi Arabia, UAE và Bahrain đột ngột triệu hồi các đại sứ của mình tại Qatar nhằm phản đối việc Qatar “can thiệp đển công việc nội bộ của các nước thành viên GCC”. Sau đó, dưới sự hòa giải tích cực của Kuwait, 3 nước đã thực hiện hòa giải với Qatar, kết thúc sóng gió ngoại giao kéo dài 8 tháng.
Còn trong sự kiện cắt đứt ngoại giao lần này, tuy những lý do và lời lẽ cắt đứt ngoại giao mà các nước như Saudi Arabia đưa ra dường như giống hệt lần trước, nhưng mức độ nghiêm trọng hơn và có nhiều điểm kỳ lạ và khác thường.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao lần này có một tốc độ lan tỏa “chóng mặt”, khi chỉ trong 1 ngày đã có tới 7 quốc gia cùng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar. Làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao lần này còn có tính tổ chức, mang tính chất móc nối nhất định, do vậy xuất hiện nhiều nước cắt đứt quan hệ với Qatar trong cùng 1 ngày. Chưa hết, các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar rất đa dạng, có nước là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), có nước lớn ở Bắc Phi, còn có cả nước ở ngoài khu vực Trung Đông.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao này còn khiến cộng đồng quốc tế rất bất ngờ. Thông thường, ở khu vực Trung Đông, Israel hoặc Iran luôn là những “đối tượng” thường xuyên bị “bao vây công kích”, nhưng lần này lại là Qatar, một quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni. Điều này đã làm cho tình hình Trung Đông, vốn phức tạp và khó giải quyết, nay lại càng thêm bất ổn.
![]() |
Hàng loạt quốc gia vùng Vịnh bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm 5-6. Ảnh minh họa: AFP. |
Ngày 24-5, Hãng thông tấn Nhà nước Qatar công bố một bài phát biểu của Quốc vương nước này Tamim bin Hamad Al Thani ca ngợi Iran là “cường quốc trong khu vực”, “lực lượng ổn định khu vực”, cho rằng “đối đầu với Iran là không sáng suốt”. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hãng thông tấn Qatar lập tức phủ nhận tin tức nói trên, cho biết trang mạng của họ đã bị tin tặc tấn công, cái gọi là nội dung bài phát biểu của Quốc vương hoàn toàn là bịa đặt, mục đích là mưu hại Qatar.
Nhưng truyền thông Nhà nước Saudi Arabia, UAE bất chấp sự “trình bày giải thích” của Qatar, chỉ trích nước này ủng hộ Iran, Hamas, Al Qaeda. Sau Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập cũng tuyên bố đóng cửa trụ sở kênh truyền hình Al-Jazeera của Qatar, cục diện vùng Vịnh đột ngột căng thẳng.
Tới ngày 3-6, Đại sứ Mỹ tại UAE bị tin tặc tấn công, đã tiết lộ các “tin tức giật gân” như UAE ngấm ngầm ủng hộ Israel, bôi nhọ Qatar, thậm chí tham gia cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, dẫn đến cục diện vùng Vịnh xấu đi hơn nữa và cuối cùng tạo thành “làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao”.
Qatar tuy là nước nhỏ, nhưng chính sách ngoại giao của nước này là thể tổng hợp mâu thuẫn, khó nắm bắt: quan hệ hữu hảo với Iran, cùng chia sẻ mỏ khí đốt tự nhiên gần biển lớn nhất thế giới, nhưng lại là một trong những đồng minh khu vực thân thiết nhất của Mỹ, có căn cứ không quân lớn nhất ở ngoài biển của quân đội Mỹ trong lãnh thổ.
Không lâu sau khi vụ việc bùng nổ, thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Rất vui mừng khi thấy chuyến thăm của tôi tới Saudi Arabia được báo đáp, họ sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn đối với hành vi tài trợ cho cực đoan, tất cả các chứng cứ đều nhắm vào Qatar, có lẽ đây sẽ là sự bắt đầu để kết thúc sự tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố”.
Nhưng, Bộ Ngoại giao Mỹ lại nói Washington không can thiệp vào quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao của các nước như Saudi Arabia…, mãi đến khi sự việc xảy ra mới nhận được thông báo liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi Saudi Arabia nới lỏng sự phong tỏa đối với Qatar.
Trong khi đó, ngày 14-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Martin lại ký hợp đồng mua bán vũ khí quân sự lớn với người đồng cấp Qatar, dự định bán hàng chục chiến đấu cơ F-15 có tổng giá trị 12 tỷ USD cho Qatar; hai tàu chiến của Mỹ cũng đến Qatar để tập trận chung với hải quân nước này.
Đối với Qatar, làn sóng cắt đứt quan hệ ngoại giao tới tấp chắc chắn không phải tin tốt, nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận ảnh hưởng mang tính thực chất của cơn sóng gió này. Tuy Saudi Arabia và UAE có thái độ nghiêm khắc và biện pháp cứng rắn đối với Qatar, nhưng suy cho cùng đây là sự bất hòa trong nội bộ phái Sunni Arab, vẫn tồn tại không gian có thể thỏa hiệp thậm chí trao đổi với nhau.