Cuộc đua vào Nhà Trắng hiếm thấy trong lịch sử

Thứ Năm, 05/11/2020, 08:16
Sáng 3/11 (giờ địa phương, tức chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ đã chính thức bắt đầu với các điểm bỏ phiếu tại các bang New York, New Jersey và Virginia mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu bầu Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ cũng như hai viện của Quốc hội và thống đốc các bang.

Trong cuộc tổng tuyển cử này, có hơn 239 triệu người dân Mỹ đủ điều kiện đi bỏ phiếu, theo Dự án Bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có khoảng 150 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống và Phó Tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 11 vị trí Thống đốc bang cùng khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn quốc. 

Do đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới cách thức và quy trình bầu cử tại nhiều bang, không khí trong Ngày bầu cử năm nay không quá “náo nhiệt” với đông đảo cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp như những cuộc bầu cử trước. Ngoài ra, đại dịch, tính đến ngày 4-11 đã lây lan gần 9,4 triệu người và giết chết hơn 232.000 người chỉ riêng tại Mỹ, khiến nhiều người lựa chọn hình thức bầu cử sớm hoặc qua thư. 

Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy đã có hơn 95 triệu cử tri Mỹ hoàn thành nghĩa vụ công dân trước ngày tổng tuyển cử 3-11, trong đó hơn 60,5 triệu cử tri gửi phiếu bầu qua đường bưu điện và hơn 34,5 triệu cử tri đã trực tiếp đến các điểm bỏ phiếu, tương đương với 69% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016.

Hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Ảnh Getty Images

Trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, hai ứng viên thường sẽ “chạm mặt” trực tiếp ba lần trong các cuộc tranh luận. Tuy nhiên, cũng do đại dịch, năm nay hai ứng viên chỉ tham gia hai buổi tranh luận. Dù vậy, đại dịch không thể làm giảm nhiệt các cuộc vận động tranh cử của hai ứng viên. 

Càng về cuối, chặng đua lại chứng kiến những hoạt động không mệt mỏi của cả Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Đơn cử như ông Donald Trump đã tiếp xúc và vận động cử tri đến tối khuya 2/11 tại Michigan khi thời tiết chỉ còn âm 4 độ C. Ông Trump lên máy bay và trở về Nhà Trắng lúc 2 giờ 45 sáng 3-11, khi điểm bỏ phiếu đầu tiên đã mở cửa, để theo dõi diễn biến cuộc đua. 

Ông Trump kết thúc 10 cuộc vận động trong vòng 36 tiếng. Trong khi đó, đối thủ Joe Biden cũng hết sức linh hoạt. Ông không tham gia quá nhiều cuộc vận động trong thời gian nước rút nhưng một số sự kiện vận động lại có sự góp mặt của những người có ảnh hưởng lớn như cựu Tổng thống Barack Obama hay nữ danh ca Lady Gaga. Nhiều người nổi tiếng, ngôi sao của Mỹ cũng theo xu hướng ủng hộ ông Biden trên mạng xã hội.

Trong khi quá trình kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ đang diễn ra, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm đến sự kiện quốc tế được đánh giá là đáng chú ý nhất năm 2020. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chúc Mỹ có một cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra trong hòa bình và công bằng, đồng thời cho biết Đức sẽ tìm kiếm một thỏa thuận mới trong quan hệ với Mỹ sau khi có kết quả bầu cử. 

Theo Ngoại trưởng Maas, đây là một cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, quyết định đường hướng và vai trò của Mỹ trên thế giới. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức đồng thời nhấn mạnh Berlin sẽ tìm kiếm một quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hiệu quả, cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước này sẵn sàng làm việc với chính phủ cũng như người dân Mỹ mà không phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử đang diễn ra tại quốc gia láng giềng. Thủ tướng Trudeau cho biết, ông đang theo dõi cuộc bầu cử ở Mỹ và tôn trọng kết quả cuộc bầu cử này. Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng khẳng định, Canada “hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ hôm nay” và sẵn sàng làm việc hiệu quả với “bất cứ ai mà người dân Mỹ lựa chọn”.

Trong khi đó, Lãnh đạo tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Iran đối với Mỹ. Trong bài phát biểu phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước, ông Khamenei nhấn mạnh: “Chính sách của chúng tôi đối với Mỹ được xác định rõ ràng và không thay đổi vì dù ai lên nắm quyền (tại Mỹ). Người nào làm Tổng thống Mỹ cũng không quan trọng đối với chúng tôi”. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 4-11 khẳng định, điều quan trọng là chính sách của Mỹ chứ không phải người đứng đầu. Trung Quốc khá kín tiếng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, không lên tiếng không có nghĩa là không quan tâm do quốc gia này đang tồn tại nhiều bất đồng với Mỹ trong hàng loạt vấn đề trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Trump.

Những điểm bỏ phiếu cuối cùng tại Mỹ đã đóng cửa vào chiều 4/11 (giờ Việt Nam), tuy vậy, công tác kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục do số lượng phiếu bầu qua thư tăng đột biến khiến Bưu điện Mỹ “trở tay không kịp” cũng như trục trặc kỹ thuật xảy ra ở nhiều nơi. Tính đến thời điểm các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa, điều bất ngờ lớn đã xảy ra khi ứng viên Joe Biden giành chiến thắng tại bang Arizona, một thành trì vững chắc của phe Cộng hòa từ năm 1996. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump đã thắng tại nhiều bang chiến trường như Ohio, Iowa và đặc biệt là Florida.

Gia Khoa
.
.
.