Cục diện trên Bán đảo Triều Tiên diễn biến khó lường

Thứ Sáu, 11/03/2016, 10:00
Rạng sáng 10-3, CHDCND Triều Tiên đã bắn hai quả tên lửa tầm ngắn ra khu vực ngoài khơi phía Đông nước này trên biển Nhật Bản. Cùng ngày, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ hủy toàn bộ các thỏa thuận liên quan tới hợp tác và trao đổi kinh tế liên Triều. Các động thái này được cho là đang đẩy CHDCND Triều Tiên vào thế đánh mất đồng minh.

Theo thông tin từ Ủy ban thống nhất hòa bình của CHDCND Triều Tiên, kể từ thời điểm này, Bình Nhưỡng sẽ coi các thỏa thuận hợp tác kinh tế và trao đổi liên Triều là không hợp lệ, đồng thời phong tỏa toàn bộ tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên lãnh thổ CHDCND Triều Tiên, chủ yếu liên quan đến dự án khu du lịch núi Kim Cương và khu công nghiệp Keasong.

Theo ước tính của hiệp hội đại diện cho 120 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp Keasong, giá trị tài sản các công ty Hàn Quốc để lại đây vào khoảng 820 tỉ kwon (663 triệu USD).

Liên quan tới vụ phóng tên lửa, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) xác nhận, vụ phóng được thực hiện vào hồi 5h20 (giờ Hàn Quốc - 3h20 giờ Việt Nam) ngày 10-3 từ khu vực Kangwon, tỉnh Bắc Hwanghae ở phía Tây CHDCND Triều Tiên. Hai tên lửa Scud sau khi rời bệ phóng đã bay được khoảng 500km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Wonsan, thuộc biển Nhật Bản.

JSC cho rằng, vụ bắn tên lửa tầm ngắn này của CHDCND Triều Tiên nhằm thị uy sức mạnh để phản đối nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các biện pháp trừng phạt đơn phương của Hàn Quốc nhằm vào nước này, cũng như cuộc tập trận chung thường niên Hàn – Mỹ đang diễn ra.

JSC nhấn mạnh: “Hàn Quốc đang nỗ lực truy tìm dấu vết của vụ bắn tên lửa một cách tỉ mỉ, đồng thời duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhằm đối phó với các hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên”.

Kênh truyền hình YTN của Hàn Quốc đưa hình ảnh về vụ phóng tên lửa sáng 10-3 của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP

Cùng ngày, một quan chức quân sự Hàn Quốc xác nhận Seoul đã triển khai một hệ thống tên lửa phòng không mới dọc theo đường biên giới trên biển với CHDCND Triều Tiên ở khu vực Hoàng Hải. 

Theo nguồn tin trên, “hệ thống tên lửa đất đối không có dẫn đường mang tên Cheongung đã được bố trí tại khu vực hải đảo phía Tây Bắc vào đầu năm nay để phòng ngừa các máy bay của CHDCND Triều Tiên”. Về phía Nhật Bản, Tokyo đã kháng nghị tới Bình Nhưỡng rằng, hành vi này đã vi phạm Nghị quyết của HĐBA LHQ.

Trong buổi họp diễn ra vào sáng cùng ngày, Thủ tướng Shinzo Abe đã lệnh cho các cơ quan liên quan tiến hành cung cấp thông tin vụ việc nhanh nhất, chính xác nhất cho nhân dân và thực hiện công việc thu thập, phân tích thông tin, xác nhận thiệt hại. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã xác nhận rằng, hai tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã rơi xuống khu vực phía Tây biển Nhật Bản và “hiện chưa có báo cáo cụ thể về thiệt hại liên quan tới máy bay, tàu thuyền thuộc sở hữu của Nhật Bản”.

Về mục đích của việc phóng tên lửa lần này, Bộ trưởng Nakatani cho biết đây có thể là hành vi mang tính quân sự phản ứng trước việc tập trận chung Mỹ - Hàn và dư luận quốc tế bao gồm Nghị quyết mới của HĐBA LHQ. Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thì nhấn mạnh đây là hành vi cực kỳ phản cảm. Tokyo sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan, nỗ lực hết sức để làm sáng tỏ hành vi của Bình Nhưỡng.

Một số ý kiến cho rằng, những phản ứng mới nhất của CHDCND Triều Tiên trên Bán đảo Triều Tiên khiến các đồng minh của nước này khó nói lời “bênh vực”. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nhận định: “Vụ phóng tên lửa cho thấy rằng, CHDCND Triều Tiên chưa rút ra được một bài học đúng đắn nào”.

Trước đó, ngày 7-3, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố nhấn mạnh “những lời đe dọa công khai để phát động “các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu” chống lại kẻ thù là hoàn toàn không được phép đưa ra. Bình Nhưỡng nên nhận thức thực tế là, bằng việc đe dọa như vậy, CHDCND Triều Tiên sẽ bị toàn bộ cộng đồng quốc tế phản đối, và sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để cho phép sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chính nước này, theo đúng quyền tự vệ của một nước được nêu trong Hiến chương LHQ”.

Trong khi đó, tờ China Daily của Trung Quốc thì nhận định về nguy cơ CHDCND Triều Tiên hành động khó đoán, dễ dẫn tới leo thang căng thẳng trong khu vực. Giải pháp vào thời điểm này là việc “Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngồi xuống và đàm phán”. Đây rõ ràng là phương án khả dĩ nhất để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. 

Nếu có thể nối lại đàm phán 6 bên (CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản) về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vốn đã bị đình trệ từ tháng 12-2008 tới nay, với lý tưởng thành lập một hệ thống an ninh mới ở Đông Bắc Á, thì vấn đề hạt nhân mới có thể được giải quyết. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc đã loại Bình Nhưỡng ra khỏi bàn đàm phán và nhất trí tổ chức một cuộc đàm phán 5 bên. Vậy, tiến trình đàm phán sẽ ra sao khi nhân vật chính vắng mặt? 

Bên cạnh đó, các động thái của CHDCND Triều Tiên đã khiêu khích một cuộc khủng hoảng, tuy nhiên, hậu quả lại phụ thuộc chủ yếu vào các đối thủ của họ. Đe dọa quân sự là có tăng lên, các biện pháp trừng phạt cũng đã gia tăng. 

Không thể xem nhẹ tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng phải biết khi nào nên dừng. Các biện pháp trừng phạt thông qua HĐBA LHQ và các biện pháp đơn phương của các nước phương Tây phần nào đã khiến Bình Nhưỡng có phản ứng không tỉnh táo.

Khổng Hà
.
.
.