Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang
- Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đứng trước “phép thử lớn”
- Có hay không một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?
Tờ Bloomberg ngày 3-4 dẫn tuyên bố từ Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh từ ngày 2-4 đã bắt đầu áp mức thuế 15% đối với 120 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây, rượu và các sản phẩm liên quan, mức 25% đối với 8 mặt hàng gồm thịt lợn và một số loại thực phẩm khác.
Theo Reuters, 128 mặt hàng Mỹ bị đánh thuế có tổng kim ngạch nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 3 tỷ USD trong năm 2017. Giới chức tại Bắc Kinh nêu rõ, bước đi này nhằm đáp trả quyết định trước đó của Mỹ về việc áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm của Trung Quốc, cũng như để bảo vệ lợi ích kinh tế của nước này.
Hàng chục container hàng hóa đang xếp hàng chờ di chuyển ở California, Mỹ. Ảnh: Xinhua. |
Bắc Kinh khẳng định không mong muốn hai bên nổ ra “chiến tranh thương mại”, song nước này chắc chắn không ngồi yên nếu nền kinh tế bị tổn hại. “Trung Quốc sẽ không ngồi đó nhìn các quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Chúng tôi sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích này”, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo.
Hơn ba tuần trước, hôm 8-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức châm ngòi cho căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung bằng cách ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, bao gồm các sản phẩm tới từ Trung Quốc. Chưa hết, Tổng thống Donald Trump sau đó còn quyết định bổ sung áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Washington cho là Bắc Kinh đã “xâm phạm” công nghệ của Mỹ.
Nhà Trắng tin rằng những biện pháp mạnh tay nói trên là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Mỹ cũng như doanh nghiệp nước này trước tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng, trong đó phần lớn là do trao đổi thương mại với Trung Quốc. Số liệu báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 7-3 cho thấy trong tháng 1 năm nay, thâm hụt thương mại của Mỹ đã vượt xa dự đoán của các chuyên gia phân tích, từ mức dự báo 2% lên tới 5%, tương đương 56,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 10-2008.
Trung Quốc ngay lập tức phản ứng mạnh trước các biện pháp của Mỹ mà Bắc Kinh cho rằng vi phạm điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về áp dụng biệt lệ, trái với nguyên tắc của hệ thống thương mại đa phương; đồng thời làm “tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của Trung Quốc”.
Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ sớm có biện pháp đáp trả Mỹ, trong đó có việc ngừng ưu đãi thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Về phần mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định, động thái của Washington đã đưa mối quan hệ thương mại song phương vào tầm nguy hiểm và nêu rõ họ sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu “chiến tranh thương mại” với Mỹ nổ ra.
Vài giờ sau khi quyết định trả đũa của Trung Quốc có hiệu lực, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters đã lên tiếng phản đối, gọi bước đi của Bắc Kinh làm “méo mó thị trường toàn cầu”. Bà Walters nói: “Chính việc trợ giá của Chính phủ Trung Quốc và tiếp tục sản xuất thừa là gốc rễ của cuộc khủng hoảng thép. Trung Quốc cần chấm dứt những hành động thương mại không công bằng vốn làm tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ và méo mó thị trường toàn cầu”.
Có thể thấy, dù cho Mỹ hay Trung Quốc nói gì về lý do của việc “gây khó” cho các mặt hàng xuất – nhập khẩu của nhau thì các biện pháp cứng rắn vừa được áp đặt đều dấy lên nguy cơ bùng phát một cuộc “chiến tranh thương mại” giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng các biện pháp trả đũa thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu không hạ nhiệt thì có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu, mà trước tiên là ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của hai nước này.
Với Trung Quốc, việc Washington áp đặt gói thuế cao như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, theo đó tác động tiêu cực vào các hoạt động sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc, vốn không dễ gì kìm hãm trong thời gian ngắn. Quyết định của Washington cũng buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải chi tiền tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ.
Trong khi đó, tờ CNBC dẫn lời một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt như hiện nay, việc áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên. Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Mỹ áp thuế 20 - 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.
Ngoài ra, người Mỹ đã quen với việc sử dụng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thế nên việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sinh hoạt tại Mỹ, điều mà cử tri Mỹ chưa bao giờ ủng hộ.
Theo Reuters, kim ngạch của 128 sản phẩm tới từ Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế lần này khoảng 3 tỷ USD, là rất nhỏ so với con số 60 tỷ USD hàng Trung Quốc mà Washington đưa vào danh sách áp thuế. Bởi vậy, động thái mới đây của Trung Quốc chỉ nên xem là một lời cảnh cáo, Bắc Kinh có thể đã chuẩn bị các biện pháp cứng rắn hơn để trả đũa kế hoạch đánh thuế của Tổng thống Mỹ nếu Mỹ vẫn quyết “mạnh tay”. Điều này cho thấy, tuy Trung Quốc có hành động đáp trả Mỹ, nhưng vẫn mong muốn Washington giải quyết bất đồng về thương mại và thuế quan thông qua đối thoại và đàm phán.