Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đứng trước “phép thử lớn”

Thứ Bảy, 24/03/2018, 07:48
Giới quan sát chính trị thế giới nhận định, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây ký quyết định áp gói thuế quan “khủng” đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ không chỉ khiến thị trường tài chính bị xáo trộn mà tạo “sóng gió” trong quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.


Mỹ quyết “chơi rắn”

Ngày 22-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký quyết định áp gói thuế quan trị giá lên tới 60 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do chống lại việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh vào Washington.

Theo tờ Washington Post, đây là kết quả của cuộc điều tra 301 về thương mại mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chỉ đạo, vốn được thúc đẩy nhanh chóng trong vòng vỏn vẹn ba tháng, thay vì một năm như đề xuất ban đầu.

Thông cáo từ Nhà Trắng nêu rõ, động thái áp thuế và hạn chế đầu tư đối với phía Trung Quốc là cần thiết, trong bối cảnh nước này cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang cạnh tranh không lành mạnh với Washington.

Dù trong năm vừa qua, cả ông Trump và ông Tập đều thừa nhận rằng hai bên đã có những cải thiện đáng kể trong quan hệ ngoại giao (ông Tập thăm Mỹ vào tháng 4 và ông Trump thăm Trung Quốc vào tháng 11), nhưng thông báo mà Văn phòng Tổng thống Mỹ hôm 22-3 đưa ra khẳng định, đối thoại song phương giữa hai bên hàng năm qua không hề mang lại hiệu quả trong vấn đề đầu tư và thương mại.

Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế “khủng” 60 tỉ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.  Ảnh: Reuters

Trong 15 ngày tới, văn phòng của ông Lighthizer sẽ công bố danh sách chi tiết các sản phẩm Trung Quốc bị áp mức thuế mới. Lệnh trừng phạt được cho là sẽ nhằm vào danh sách khoảng 1.300 sản phẩm từ sản phẩm gia dụng, quần áo, mỹ phẩm cho tới mặt hàng điện tử, công nghệ. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ được đóng góp ý kiến trước khi danh sách cuối cùng các mặt hàng bị áp thuế được chốt và đi vào hiệu lực.

Hơn nữa, Mỹ cũng đang tìm cách nhằm hạn chế khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ và sẽ đệ trình lên Tổ chức Thương mại quốc tế WTO một số bằng chứng “rõ rành rành”. Trả lời phỏng vấn với giới báo chí, ông Lighthizer cho biết, đây là bước đi cần thiết để bảo vệ công nghệ Mỹ - yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tương lai của nền kinh tế nước này, đồng thời nêu rõ đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Trung Quốc “không im lặng”

Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố gói thuế mới, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng. Bộ này cho hay, động thái của Mỹ đã đưa mối quan hệ thương mại song phương vào tầm nguy hiểm và nêu rõ họ sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra.

“Chúng tôi tin tưởng năng lực của mình có thể đối phó với bất kỳ thách thức nào. Chúng tôi thúc giục Mỹ hãy rút lại quyết định này”, người phát ngôn bộ này tuyên bố. Phía Trung Quốc cũng thêm rằng, nước này đang cân nhắc áp dụng15% thuế nhập khẩu trị giá 977 triệu USD đối với mặt hàng trái cây sấy khô, rượu và ống thép nhập khẩu từ Mỹ và 25% thuế trị giá 1,99 tỷ USD đối với các sản phẩm từ thịt heo và nhôm tái chế.

Theo Reuters, Trung Quốc đã lên danh sách 128 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trở thành đối tượng của thuế trừng phạt mới nếu hai nước không thể thống nhất một thỏa thuận cho vấn đề này. Căng thẳng thương mại mới nhất giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới đã khiến thị trường chứng khoán lao dốc với chỉ số Dow Jones (chỉ số công nghiệp, vận tải, dịch vụ) giảm hơn 700 điểm (khoảng 2,9%) và chỉ số S&P 500 (chỉ số cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán New York) giảm 2,5%.

Trong bối cảnh nêu trên, giới quan sát tỏ ra vô cùng lo ngại về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thương mại gay gắt giữa hai nền kinh tế lớn và cảnh báo hậu quả toàn cầu nếu điều này xảy ra. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh dường như cũng mong muốn không đẩy tình hình lên mức quá căng thẳng.

Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tỏ ý hy vọng nước này có thể tiến hành các cuộc thảo luận với Mỹ nhằm đạt được giải pháp cùng có lợi để giải quyết các tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, ông Luo Linquan đã dẫn ra số liệu về đầu tư song phương đạt 200 tỷ USD và nói Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đồng thời là thị trường nhập khẩu và xuất khẩu lớn của quốc gia này. Ông Luo nhận định, mối quan hệ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc đều đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia, cũng như toàn thế giới.

Theo New York Times, bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ một cuộc chiến thương mại chính là người nông dân Mỹ, do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ hai của nước này. Một số ngành công nghiệp khác tại Mỹ - như sản xuất máy bay (với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 15 tỷ USD trong năm 2016) và máy móc cơ điện (12 tỷ USD) - cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ kế hoạch áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Linh Đan
.
.
.