Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang nguy hiểm

Thứ Ba, 21/05/2019, 08:13
Sau những động thái mang tính hạ nhiệt hồi tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19-5 (giờ địa phương) bất ngờ tung ra lời đe dọa sẽ hủy diệt Iran.

Tuyên bố này của người đứng đầu Nhà Trắng đã làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Iran đang ngày một leo thang.

Iran tái khẳng định không muốn chiến tranh

Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump viết “nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran” và cảnh báo Tehran “đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa”.

Tuyên bố trên được đưa ra khi cùng ngày, truyền thông khu vực dẫn nguồn tin quân đội Iraq cho biết, một quả rocket đã bắn vào khu vực Vùng Xanh ở Thủ đô Baghdad, nhưng không gây thương vong. Đây là khu vực tập trung các tòa nhà chính phủ, các đại sứ quán nước ngoài, trong đó có khu Đại sứ quán Mỹ.

Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đã xác nhận xảy ra một vụ nổ bên ngoài khu Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad song không gây thương vong.

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, một quả rocket “thô sơ” đã bắn vào khu vực quốc tế gần Đại sứ quán Mỹ và không có ảnh hưởng hoặc tổn thất đáng kể đối với bất kỳ cơ sở có người ở nào của Mỹ.

Người phát ngôn này nhấn mạnh, những vụ tấn công như vậy sẽ bị đáp trả “một cách kiên quyết” và Mỹ sẽ quy trách nhiệm cho Iran “nếu những vụ tấn công như vậy do các lực lượng được Iran ủy nhiệm tiến hành”. Về phía Iran, Tehran cho rằng, những động thái của Washington chỉ là “tâm lí chiến” và là “trò chính trị”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Iran phản đối chiến tranh. Ông nói: “Đây là thời điểm rất khó khăn cho khu vực. Chúng tôi tin rằng sự leo thang của Mỹ là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chúng tôi đã kiềm chế tối đa bất chấp thực tế là Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5”.

Những diễn biến của hai bên diễn ra trong bối cảnh có một thông tin rất đáng chú ý từ giới truyền thông tiếng Arab rằng, các nước vùng Vịnh đã đồng ý cho Mỹ triển khai quân để làm bàn đạp tấn công Iran.

Tờ báo tiếng Arab “Al-Sharq al-Ausat” hôm 19-5 dẫn các nguồn cấp cao đưa tin, Saudi Arabia và các nước khác thuộc Vịnh Persian như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai tàu thuyền trong vùng lãnh hải và binh sĩ trên lãnh thổ của họ để ngăn chặn Iran.

Đáng chú ý là sự đồng ý này xuất phát từ các thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các nước Arab thuộc vùng Vịnh Persian, nhằm ngăn chặn Iran leo thang quân sự và tấn công các quốc gia vùng Vịnh hoặc gây hại cho lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, các nguồn tin ngoại giao Arab thông báo, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia đã mời các nhà lãnh đạo vùng Vịnh và Liên đoàn Arab tới tham dự hai hội nghị khẩn cấp ở Mecca vào ngày 30-5 để thảo luận về tình hình thẳng ở vùng Vịnh.

Như vậy, có thể thấy, có thể các bên đều không muốn chiến tranh nhưng đều đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Tuy vậy, bất kể một động thái nào bất thường xảy ra có thể sẽ kích động một cuộc chiến toàn diện tại khu vực.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang trở lại sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.

Chiếc “van an toàn” của Iran

Trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang như vậy, giới phân tích cho rằng, Iran đang coi Trung Quốc là một phần quan trọng của giải pháp nhằm hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Có rất nhiều điều để biến Trung Quốc trở thành một đồng minh giá trị đối với Iran: Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Tehran, từng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran và cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều quan trọng nhất, Trung Quốc là một trong những bên tham gia ký kết JCPOA với Iran hồi năm 2015, đồng thời là một trong những đồng minh chính trị lớn của Tehran.

Trung Quốc và Mỹ thời gian qua đã tích cực đàm phán về một thỏa thuận nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại, vốn là điều có ý nghĩa rất quan trọng đối với Bắc Kinh.

Chương trình nghị sự của cuộc đàm phán này bao gồm việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng mua dầu của Iran. Nếu đạt được đồng thuận, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có thể là đòn giáng mạnh vào quan hệ Tehran - Bắc Kinh. Tuy nhiên, với những động thái thay đổi bất ngờ trong lập trường của Mỹ và Trung Quốc trong các cuộc đàm phán này, cuộc chiến thương mại giữa hai nước nhiều khả năng sẽ không thể kết thúc sớm.

Một điểm quan trọng không kém là cách Trung Quốc sẽ đáp ứng các điều kiện của Mỹ về việc mua dầu từ Iran như thế nào.

Về mặt kỹ thuật, việc ngừng nhập khẩu dầu từ Iran sẽ không phải là một quyết định đơn giản đối với Trung Quốc khi điều này sẽ gây tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh vì Tehran vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ quan trọng tại thời điểm khủng hoảng quốc tế, vốn chứng kiến một số nhà sản xuất dầu mỏ như Libya rơi vào tình cảnh hỗn loạn.

Tại các quốc gia sản xuất “vàng đen” khác, Algeria đang trong tình trạng bất ổn chính trị, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela cũng làm phức tạp thị trường dầu mỏ, trong khi sản lượng từ Angola - nơi cung cấp một phần đáng kể nhu cầu của Trung Quốc - lại đang giảm dần.

Nếu chấm dứt mua dầu từ Iran, Trung Quốc đứng trước rủi ro đánh mất sự hỗ trợ của Tehran trong an ninh năng lượng khu vực. Hơn nữa, trong số các nhà cung cấp dầu mỏ Trung Đông của Trung Quốc, Iran là quốc gia duy nhất nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Một khi cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh nóng dần lên, Iran sẽ có một vị thế đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Việc Mỹ tìm cách đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức “không” cũng có những tác động về chính trị và an ninh khác, châm ngòi cho những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Vịnh Persia và Eo biển Hormuz chiến lược. Trung Quốc nhập khẩu gần một nửa lượng dầu mỏ từ Vịnh Persia, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình vận chuyển dầu thô ở khu vực này cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt.

Ngoài ra, trong kịch bản xấu nhất, tình trạng bất ổn có thể diễn ra ở Iran dưới áp lực của Mỹ và gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc, đồng thời đe dọa thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông chống lại Trung Quốc.

Sự bất ổn trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia của Bắc Kinh trong các dự án quốc tế, như Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn bao gồm sự tham gia của cả một số quốc gia Trung Đông. Ở góc độ rộng hơn, việc Mỹ ngăn cản xuất khẩu “vàng đen” của Iran là một hành động đơn phương gây phương hại tới lợi ích của Trung Quốc.

Trong khi đó, nếu duy trì nhập khẩu dầu thô từ Iran ở mức tối thiểu, Bắc Kinh vẫn có thể giữ được “đòn bẩy” của mình đối với Tehran.

Ngược lại, Trung Quốc sẽ đánh mất vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, và hệ quả là tầm ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm sút. Ngoài ra, nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực để nước Cộng hòa Hồi giáo này không rút khỏi JCPOA, một thỏa thuận hứa hẹn có giá trị lớn đối với chính sách đối ngoại đa phương của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Iran không thể chỉ đơn giản xích lại gần Trung Quốc để tránh áp lực từ Mỹ. Tehran chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch ngoại thương của Bắc Kinh, trong khi Washington mới là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Bất chấp tất cả những điều đó, Tehran vẫn có thể hy vọng Bắc Kinh sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược chống lại áp lực của Washington. Trung Quốc có thể vẫn duy trì hợp tác thương mại với Iran, nhưng ở mức độ tối thiểu để không kích hoạt bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Nói cách khác, Iran vẫn có thể đặt hy vọng vào Trung Quốc như một “van an toàn” nhưng đó sẽ không phải là “phao cứu sinh”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.