COVID-19 tiếp tục xuất hiện biến thể mới "khó lường"

Thứ Ba, 12/01/2021, 08:44
Nếu như các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã được tìm thấy lần đầu tiên tại Anh và Nam Phi vào cuối năm 2020, thì trong những ngày đầu năm 2021, Nhật Bản lại tiếp tục phát hiện thêm một biến thể mới.

Theo các nhà chức trách Nhật Bản, biến thể này có cấu trúc khác so với các chủng trước đó, đồng thời rất khó để xác định ngay lập tức mức độ lây nhiễm và khả năng phòng ngừa của các loại vaccine hiện có đối với biến thể này.

Tờ Kyodo ngày 10/1 dẫn thông cáo từ Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) cho biết, các nhà chức trách y tế nước này đã phát hiện thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở 4 du khách đến từ bang Amazonas của Brazil. Cụ thể,  Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nêu rõ, 4 du khách trên gồm 2 người lớn trong độ tuổi từ 30 - 40 và 2 trẻ em trên 10 tuổi, đến Nhật Bản và nhập cảnh tại sân bay Haneda hôm 2/1.

Người đàn ông khi đến Nhật Bản không có triệu chứng nhưng sau đó phải nhập viện vì suy hô hấp nặng. Trong khi đó, người phụ nữ có biểu hiện đau đầu, còn bé trai bị sốt và bé gái không có triệu chứng. NIID cho hay, biến thể mới này có cấu trúc khác so với các biến thể có khả năng lây nhiễm cao lần đầu tiên được tìm thấy ở Anh và Nam Phi.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nhật Bản có cấu trúc khác so với các biến thể tại Anh và Nam Phi.  Nguồn: Thepharmaletter.

Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil thông báo, nước này đã được phía Nhật Bản cập nhật rằng, biến thể mới có 12 đột biến, và một trong số đột đó đã được xác định cũng có trong các biến thể được tìm thấy ở Anh và Nam Phi. Hiện NIID đã báo cáo các trường hợp này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa thể xác định ngay lập tức được khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể này, cũng như hiệu quả của các loại vaccine hiện có đối với biến thể mới.

Bloomberg dẫn lời một số quan chức cấp cao Nhật Bản cho biết, các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực xác định xem biến thể mới có tốc độ lây lan như thế nào so với chủng ban đầu. Điều này hoàn toàn có thể ước tính được bởi nếu lượng virus bên trong mũi hoặc đường hô hấp của người bệnh tăng lên, thì virus sẽ dễ dàng phát tán khi mọi người trò chuyện hoặc ho.

Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ông Takaji Wakita, người đứng đầu NIID nói: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới được tìm thấy ở những người đến từ Brazil có khả năng lây nhiễm cao". Thế nhưng, trước những diễn biến khó lường từ các biến thế mới của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo người dân và các nước cần tiếp tục nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch, bởi biến thể mới hoàn toàn có thể dẫn đến kết quả âm tính giả từ một số xét nghiệm COVID-19 phân tử và trẻ em có thể dễ bị mắc biến thể mới hơn so với "phiên bản" virus đầu tiên.

Đài CNN dẫn các phân tích của tiến sĩ William Haseltine, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Access Health International và là tác giả của nhiều cuốn sách y khoa, cho biết cho tới nay SARS-CoV-2 đã biến đổi với tốc độ khá ổn định với khoảng từ một đến hai biến thể mỗi tháng. Một số đột biến giúp virus dễ lây lan hơn, số khác giúp virus lẩn trốn tốt hơn trước hệ miễn dịch của con người.

 Điều khiến giới khoa học lo ngại hơn cả chính là liệu các đột biến có cùng tham gia thay đổi các protein của virus hay không và nếu những đột biến này kết hợp với nhau thì cách thức hoạt động của chúng sẽ thay đổi thế nào. Ngoài ra, trong quá trình tiến hóa, chúng có thể trở nên khó kiểm soát hơn và sau một thời gian biến đổi đủ lâu, như các nhà khoa học nói thường phải mất nhiều năm, chúng có thể đủ "thông minh" để "vượt mặt" phần nào đó các vaccine đã có.

Được biết, Nhật Bản hiện đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo và ba quận lân cận thủ đô bao gồm: Chiba, Kanagawa và Saitama đến hết ngày 8/2. Theo nội dung tuyên bố, các nhà hàng, quán ăn phải rút ngắn thời gian làm việc đến 20h, nhà hàng có phục vụ rượu chỉ được phép mở cửa từ 11h đến 19h, phục vụ giao hàng tại nhà và mang đi được phép hoạt động. Người dân hạn chế đi lại, nếu không có việc cần thiết, ngoại trừ đến những nơi như bệnh viện và mua đồ thiết yếu, tuyệt đối không ra ngoài sau 20h.

Các công ty doanh nghiệp thúc đẩy làm việc từ xa, giảm 70% số lượng nhân viên có mặt tại công ty, tạm dừng công việc sau 20h nếu không cần thiết. Số lượng người tham gia các sự kiện tối đa là 5.000 người, hoặc bằng 50% sức chứa của cơ sở đó. Đối với trường học hạn chế các câu lạc bộ có nguy cơ lây nhiễm cao, không yêu cầu đóng cửa và kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn tiến hành theo kế hoạch. Tình trạng khẩn cấp lần này được Chính phủ Nhật Bản ban bố khi số ca lây nhiễm tại nhiều tỉnh thành và toàn quốc liên tục ở mức cao, đẩy hệ thống y tế đứng trước tình trạng tê liệt.

Đài Truyền hình NHK cho biết, tính đến hết ngày 10/1, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn Nhật Bản đã lên đến khoảng 289.000 ca, trong đó 4.061 ca tử vong. Việc chỉ áp đặt tình trạng khẩn cấp tại 4 tỉnh, thành tại Nhật Bản được dư luận đánh giá là khá muộn và khó có thể thể đưa tình trạng lây nhiễm ở thủ đô Tokyo xuống mức có thể kiểm soát được trong vòng 1 tháng. Giới chuyên gia cho rằng, cần mở rộng phạm vi khẩn cấp ra toàn quốc để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong bối cảnh nước này mới tìm ra biến thể mới khó lường của COVID-19.

Linh Đan
.
.
.