COVID-19 khiến giao thương Anh – EU khó thông suốt

Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:49
Văn phòng kiểm toán quốc gia (NAO), cơ quan chuyên đánh giá tình hình chi tiêu công tại Anh, cảnh báo nguy cơ cao sẽ xảy ra trạng gián đoạn trên diện rộng tại hầu hết các khu vực biên giới Anh khi quốc gia này chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm 2021.

Theo NAO, tình trạng trên sẽ xảy ra bất kể 2 bên có đạt thỏa thuận thương mại tự do hay không. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 khiến công tác chuẩn bị không thể đảm bảo tiến độ.

Từ ngày 1/1/2021, sau khi Anh chính thức ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU, tất cả các đơn vị xuất khẩu sẽ phải nộp hồ sơ hải quan và an toàn kể cả khi Anh đạt được thỏa thuận với EU. Tuy nhiên, NAO đánh giá các cảng hiện nay không còn nhiều thời gian để hoàn tất việc tích hợp hoặc thử nghiệm các hệ thống của họ với các dịch vụ công nghệ mới của chính phủ. 

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn thiếu địa điểm kiểm tra hải quan và thiếu người trung gian thực hiện thủ tục hải quan để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn mới. Giám đốc NAO Gareth Davies cho rằng Chính phủ Anh cần nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động khi gián đoạn xảy ra. Một trong những khu vực thách thức nhất sẽ là Bắc Ireland. 

Theo thỏa thuận Brexit, một số loại hàng hóa từ các vùng khác tại Anh trước khi tới khu vực này sẽ phải được kiểm tra hải quan để đảm bảo giao thương với thành viên EU là Cộng hòa Ireland diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, NAO cho biết cơ quan phụ trách chuẩn bị các hệ thống và cơ sở vật chất để tiến hành những thủ tục kiểm tra hải quan với các mặt hàng như sản phẩm từ động vật hoặc cây trồng lo ngại không thể đảm bảo mọi việc sẽ sẵn sàng đúng hạn chót. 

Cơ quan hải quan cũng lo ngại “nguy cơ cao” không thể sẵn sàng đúng thời hạn dù đang thực hiện mọi việc với tốc độ tốt. Hiện cơ quan này cũng đồng thời nghiên cứu các phương pháp thay thế nếu không thể đảm bảo hoàn tất công tác chuẩn bị trước ngày 1/1/2021. Báo cáo của NAO nêu rõ cơ quan hải quan sẽ phải xử lý khoảng 270 triệu hồ sơ hải quan mỗi năm. Ngân hàng trung ương Anh từng cảnh báo GDP của quốc gia này có thể sụt giảm 1% vì những thay đổi về thương mại, kể cả khi hai bên đạt thỏa thuận.

Ngư dân đánh bắt cá ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam nước Anh ngày 12/10.

Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho rằng, nếu Anh không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU thì sẽ là một điều “vô cùng tồi tệ” đối với Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson, bởi nó khiến nền kinh tế nước này, vốn đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, càng chìm sâu vào “hố đen”. 

Trong khi đó, ông David Henig, chuyên gia thương mại tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế thuộc Trung tâm châu Âu có trụ sở tại London, cho rằng các doanh nghiệp Anh phải chứng kiến sự thay đổi lịch sử trong quan hệ thương mại giữa Anh và EU- bất kể kết quả của các cuộc đàm phán thương mại với khối này ra sao. 

Theo vị chuyên gia này, dòng chảy thương mại vốn liền mạch giữa Anh và EU sẽ được thay thế bằng những rào cản đáng kể về mặt hải quan, quy định và dịch vụ. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế Anh. Một thỏa thuận thương mại có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một số quá trình chuyển đổi, nhưng Brexit vẫn sẽ là một thay đổi lớn. 

Người phát ngôn của Thủ tướng Johnson cho biết, Chính phủ Anh đang đẩy mạnh chi tiêu vào cơ sở hạ tầng biên giới, đồng thời nhấn mạnh sự chuẩn bị quan trọng cho những thay đổi hậu Brexit đã được thực hiện và Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ. 

Tuy nhiên, triển vọng này đã trở nên u ám hơn sau khi nước Anh bước vào giai đoạn phong tỏa xã hội lần thứ hai để hạn chế sự lây lan dịch COVID-19 đang tăng vọt, khiến hy vọng về một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng vỡ vụn, bất chấp gói kích thích lớn từ Chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh.

Hiện đàm phán thương mại Anh-EU vẫn chưa có tiến triển đáng kể dù thời gian còn lại không nhiều. Ngày 6/1 (giờ địa phương), Ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận là 50/50, đồng thời phía EU đã đưa ra quan điểm rõ ràng về các điều kiện và việc tiếp cận thị trường chung EU. 

Theo Ủy viên EU, Anh sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nề hơn nếu đàm phán đổ vỡ mà không có kết quả khiến Anh phải rời đi mà không có thỏa thuận. Hồi đầu tuần này, trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost đều cho biết hai bên vẫn tồn tại “khác biệt lớn” trong đàm phán. 

Các vấn đề gây trở ngại nhiều nhất là quyền đánh bắt cá, các quy định cạnh tranh công bằng giữa các công ty và cách giải quyết những tranh chấp thương mại trong tương lai. Mặc dù vậy, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Daniel Ferrie cho hay, các cuộc đàm phán diễn ra tại Brussels trong tuần này rất chuyên sâu và bàn về tất cả các chủ đề. 

Ông cũng cho biết thêm rằng Anh đã bỏ qua hạn chót để hồi đáp một lời kiến nghị chính thức của EU về kế hoạch của Anh nhằm phá vỡ thỏa thuận Brexit thông qua luật pháp trong nước. Vì vậy, EU “sẽ cân nhắc các bước tiếp theo, bao gồm cả việc đưa ra một lựa chọn hợp lý”. Đây cũng là thủ tục tiếp theo trong hành động pháp lý mà EU đã kích hoạt nhằm vào Anh cách đây một tháng. 

Cuộc đàm phán lần này là nỗ lực cuối cùng để hai bên đạt được một thỏa thuận đối tác mới trước ngày 15/11 tới - thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU, cũng là thời hạn chót Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận. Nếu các bên thất bại, trao đổi thương mại và dịch vụ song phương, ước tính khoảng 900 tỷ USD/năm, sẽ chịu nhiều tổn thất do các biểu thuế xuất nhập khẩu và hạn ngạch mới từ 1/1/2021.

Khổng Hà
.
.
.