COVID-19 đang "giành phần thắng" ở phần lớn Mỹ Latin

Thứ Hai, 08/06/2020, 16:12
Số ca nhiễm và tử vong liên quan đến COVID-19 trên toàn khu vực Mỹ Latin đang tăng nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới và không hề có dấu hiệu chậm lại tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khu vực này đã ghi nhận gần 1,2 triệu ca nhiễm và hơn 60.000 ca tử vong.
Người dân xếp hàng chờ phát thức ăn ở Lima, Peru. Ảnh Getty Images. 

“Chúng tôi đặc biệt lo lắng về Trung và Nam Mỹ, nơi nhiều quốc gia đang chứng kiến tình trạng dịch bệnh gia tăng”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

WHO cũng cho rằng khu vực này vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch, có nghĩa là số người mắc bệnh và tử vong có thể tiếp tục tăng. Các quan chức y tế cảnh báo các nước không nên vội vàng mở cửa lại nền kinh tế.

Brazil, nước đông dân nhất khu vực, đang mắc kẹt trong tình trạng khủng hoảng. Nước này đã ghi nhận ít nhất 645.771 ca nhiễm và 35.026 trường hợp tử vong tính đến ngày 8/6, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Brazil đã vượt qua Italia để trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ ba trên thế giới và có khả năng sẽ sớm vượt qua Vương quốc Anh. Điều đó có nghĩa là Brazil sẽ có cả số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Brazil có tỷ lệ xét nghiệm ở mức thấp hơn nhiều so với Mỹ. Điều đó có nghĩa là vẫn còn rất nhiều ca nhiễm chưa được xác nhận.

Tại bang São Paulo, bang đông dân nhất của đất nước, điều phối viên của Bộ Y tế cho biết một số trường hợp nhiễm có thể đã được ghi nhận là hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay SARS, do khả năng xét nghiệm COVID-19 còn thấp của tiểu bang.

Một nghiên cứu được công bố trong tuần này bởi Đại học Liên bang Rio Grande do Sul cho biết Brazil sẽ ghi nhận một triệu ca nhiễm và 50.000 ca tử vong vào ngày 20/6.

Trong khi đó, một số thành phố lớn của Brazil đang bắt đầu mở cửa trở lại. Rio de Janeiro đang cho phép các hoạt động và doanh nghiệp không thiết yếu như nhà thờ, cửa hàng xe hơi và cửa hàng trang trí mở cửa.

Tại Mexico, hai điều đang xảy ra có vẻ mâu thuẫn với nhau. Đầu tiên, Mexico ghi nhận tuần tồi tệ nhất từ khi bùng phát dịch. Nước này đã lần đầu tiên ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong trong một ngày. Đồng thời, trong ba ngày liên tiếp, Mexico đã ghi nhận số ca nhiễm ở mức cao.

Bất chấp những con số đáng báo động cũng như những thông điệp mâu thuẫn từ các nhà lãnh đạo chính phủ, các quan chức đã đẩy mạnh kế hoạch mở lại theo từng giai đoạn trên cả nước.

Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell, người dẫn đầu các hoạt động phản ứng COVID-19 của Mexico, đã thúc giục người dân Mexico ở nhà.

Tổng thống Andrés Manuel López Obrador lại đưa ra một thông điệp khác. “Đừng ăn cắp, đừng cướp, đừng phản bội, và điều đó giúp ích rất nhiều cho việc tránh lây nhiễm COVID-19”, ông López Obrador cho biết. Ông cũng khuyến cáo người dân nên giữ khoảng cách xã hội và rửa tay.

Mexico đã ghi nhận 110.026 ca nhiễm và 13.170 ca tử vong. Nhưng với tỷ lệ xét nghiệm cực kỳ thấp ở nước này, các quan chức y tế cho biết số ca mắc bệnh thực sự có khả năng lên tới hàng triệu người.

Tình hình cũng đang rất đáng báo động ở Peru. Người dân ở Callao, Peru, phải xếp hàng nhiều giờ để nạp đầy bình oxy. Nhưng khi họ đã đến xếp hàng, nhiều người có người thân mắc COVID-19 bị sốc vì giá cả tăng vọt. Giá bình oxy đã tăng gấp đôi. Chính phủ hiện thừa nhận có một vấn đề. “Nhiệm vụ của chúng tôi là chống sự phát triển của chợ đen sử dụng đại dịch để lạm dụng người dân”, Cesar Chaname, phát ngôn viên của cơ quan y tế công cộng Peru cho biết.

Peru tiếp tục vật lộn với dịch bệnh, ghi nhận 187.400 ca nhiễm, cao thứ hai trong khu vực sau Brazil. Tuy nhiên, đất nước này có tỷ lệ xét nghiệm tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. 

Áp lực kinh tế đã khiến cho nhà chức trách buộc phải mở lại nền kinh tế. Tuần này các quan chức tuyên bố Peru sẽ bắt đầu Giai đoạn 2 của kế hoạch mở cửa trở lại, các doanh nghiệp như cửa hàng quần áo và tiệm làm tóc có thể hoạt động trở lại.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra cho biết các động thái này có nghĩa là khoảng 80% nền kinh tế sẽ sớm được mở.

Mặc dù nhiều nước khác trong khu vực đang đối mặt với tình trạng khốc liệt, Uruguay cho đến nay là một trong những tấm gương trong ứng phó với COVID-19.

Đất nước có khoảng 3,5 triệu người giáp biên với ổ dịch siêu lớn Brazil nhưng Uruguay chỉ ghi nhận chỉ 834 trường hợp. Đồng thời, ca tử vong đầu tiên của nước này là vào cuối tháng 5, cho đến nay, chỉ ghi nhận 23 ca tử vong do COVID-19.

Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do cho sự thành công của Uruguay, từ một phản ứng sớm, mạnh mẽ bao gồm các biện pháp kiểm dịch, một hệ thống phổ cập và hiệu quả nhằm truy tìm và cách ly những người nhiễm, xét nghiệm ngẫu nhiên và thành lập một ủy ban ứng phó khủng hoảng.

Do có ít rủi ro hơn khi Uruguay bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.

Đất nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế vào đầu tháng 5. Vào ngày 1/6, giáo dục tiểu học và trung học nông thôn đã bắt đầu lại ở hơn 400 trường học và các doanh nghiệp cũng đang dần được phép mở cửa trở lại.

Duy Tiến
.
.
.