Bước thụt lùi đáng tiếc "phủ bóng" nỗ lực hồi sinh thỏa thuận JCPOA

Thứ Năm, 08/07/2021, 09:30
Các cường quốc châu Âu và Mỹ ngày 7/7 đã đồng loạt bày tỏ thái độ thất vọng trước động thái mới nhất của Iran, khi nước này thông báo về kế hoạch làm giàu uranium lên mức 20%. Giới chuyên gia đánh giá, bước đi này sẽ gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán về việc Washington và Tehran trở lại tuân thủ "Kế hoạch Hành động chung toàn diện" (JCPOA) năm 2015, vốn mới được nối lại từ hồi đầu tháng 4.

Euronews ngày 7/7 dẫn thông báo chung của Anh, Pháp và Đức cho biết, các nước này bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về việc Iran tuyên bố có ý định làm giàu kim loại uranium lên mức 20%, trong bối cảnh các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) về việc Washington và Tehran trở lại tuân thủ JCPOA năm 2015 vẫn đang diễn ra. 

Cụ thể, cả ba quốc gia này khẳng định Iran không có bất kỳ nhu cầu dân sự đáng tin cậy nào để tiếp tục các hoạt động sản xuất hay phát triển, nghiên cứu kim loại uranium. Đây là một bước quan trọng để tiến tới phát triển vũ khí hạt nhân và là động thái gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán tại Vienna. 

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price khẳng định, việc Iran lựa chọn leo thang căng thẳng và không từ bỏ ý định phát triển vũ khí hạt nhân là điều rất đáng lo ngại, đi ngược lại với tinh thần xây dựng, nghiêm túc và thiện chí của những cuộc thảo luận đang diễn ra tại thủ đô Vienna. 

Các cuộc đàm phán tại Vienna về vấn đề JCPOA đang gặp bế tắc. Nguồn: Reuters.

Được biết, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 6/7 tiết lộ, Iran có ý định chuyển các thanh urani đã được làm giàu ở mức 20% tới Esfahan với mục đích làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu. Phía IAEA nêu rõ: "Iran đã thông báo với IAEA rằng UO2 (uranium oxide) đã được làm giàu lên đến 20% và chúng sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm tại nhà máy chế tạo nhiên liệu ở Esfahan, nơi nó sẽ được chuyển đổi thành UF4 (uranium tetrafluoride) trước khi sử dụng để sản xuất nhiên liệu".

CNBC dẫn lời một số chuyên gia phân tích chính trị thế giới đánh giá, nút thắt trong vấn đề về JCPOA dường như lại bị thít chặt hơn, sau khi vừa được nới lỏng phần nào hồi đầu tháng 4, thời điểm các bên nhất trí nối lại đàm phán. Tuy nhiên, chuyên gia Talal Mohammad thuộc Viện St. Anthony, Đại học Oxford (Anh) nhận định rằng, Tehran dưới thời của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi có thể duy trì giọng điệu chống phương Tây, song sẽ giữ thỏa thuận hạt nhân của chính quyền ông Hassan Rouhani bởi đây là vấn đề được lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đặc biệt quan tâm. Trước đó, Cao ủy Liên minh châu Âu về An ninh và Chính sách đối ngoại Josep Borell tin tưởng rằng, kết quả của cuộc bầu cử tại Iran sẽ không hủy hoại tiến trình đàm phán.

Trước những chỉ trích mạnh mẽ và đồn đoán từ quốc tế về kế hoạch làm giàu urani, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran  Saeed Khatibzadeh cùng ngày đã chính thức lên tiếng. Ông Saeed Khatibzadeh nêu rõ, Iran sẽ không vội vàng để đạt được thỏa thuận nhưng cũng không cho phép kết quả các cuộc đàm phán tại Vienna bị xói mòn. 

"Chính phủ của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực vì thỏa thuận tiềm năng này, do việc tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết luôn là nguyên tắc của Tehran. Tuy nhiên, Iran sẽ không đưa ra thời hạn chót và cũng không vội vàng để đạt được thỏa thuận". Theo ông Saeed Khatibzadeh, đã có những tiến triển tích cực tại các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna và điều này được tất cả các bên tham gia đàm phán công nhận. Nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề quan trọng chưa thể thống nhất, phụ thuộc vào "bên khác". 

Một số nguồn thạo tin của CNN cho hay, các cuộc đàm phán tại Vienna còn bất đồng về các vấn đề trọng tâm, như lộ trình Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định rằng, "bên khác" mà phía Iran nhắc tới có thể là Israel. Hồi tháng 4, Tehran đã từng cáo buộc Tel Aviv đứng đằng sau vụ nổ "chưa rõ nguyên nhân" tại cơ sở làm giàu uranium Natanz, song không nhận được hồi đáp. Mới đây, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Mossad Yossi đã chia sẻ rằng đặc vụ Israel thường xuyên "để mắt" tới các nhà khoa học nguyên tử của Iran. 

Chuyên gia Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran thuộc International Crisis Group tại Brussels (Bỉ) cho rằng, việc Israel tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Iran nói chung và phản đối đàm phán JCPOA nói riêng nhiều khả năng có thể tác động tiêu cực, thậm chí đảo ngược kết quả đàm phán mà Iran và các nước P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được. "Sự cứng rắn không thể xoay chuyển của Israel sẽ đặt Washington vào thế khó, khi vừa phải duy trì quan hệ với đồng minh thân thiết, vừa phải thỏa thuận để thông qua JCPOA nhằm kiểm soát đối thủ hàng đầu tại Trung Đông", ông Ali Vaez bình luận.

Được biết, Mỹ và Iran trước đó đều không kỳ vọng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ tạo bước đột phá lớn. Tuy nhiên, cả chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran đều nói rằng họ muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trên lộ trình hướng tới mục tiêu cuối cùng này chắc chắn sẽ còn vấp phải nhiều lực cản. Do đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn cùng những đối sách linh hoạt từ lãnh đạo Mỹ và Iran, cũng như không thể thiếu nỗ lực thúc đẩy của các bên liên quan như EU, Nga và Trung Quốc.

Linh Đan

.
.