Brexit đi đến hồi kết: EU nghẹn ngào tạm biệt nước Anh
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, đã kết thúc hôm 29-1 (giờ địa phương) trong chia ly và nước mắt, khi Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua thỏa thuận “ly hôn”. Kể từ đây, sẽ chẳng còn điều gì ngăn cản Anh rời mái nhà chung được nữa.
Khi ông Boris Johnson giành chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc hội Anh diễn ra tháng 12 năm ngoái, phần lớn dư luận đều bày tỏ lo ngại rằng quyết tâm đưa Anh rời EU của ông rồi sẽ chẳng đi về đâu. Phe đối lập liên tục gây khó dễ và cảnh báo thỏa thuận của ông sẽ lặp lại kịch bản cũ mà người tiền nhiệm của ông, bà Theresa May, từng đau đớn đối diện.
Nhưng tân Thủ tướng Anh với quyết tâm không suy chuyển của mình đã chứng minh rằng những lo ngại ấy là sai. The Guardian đưa tin, tối 29-1, trong phiên họp toàn thể tại Brussels (Bỉ), với 621 phiếu thuận, 49 phiếu chống và 13 phiếu trắng, EP đã chính thức bỏ phiếu thông qua thỏa thuận về việc Anh rời EU.
Sau hơn 3 năm đàm phán, tiến trình Brexit đã đi đến hồi kết. Ảnh: Getty |
Cuộc đàm phán gian nan kéo dài suốt hơn 3 năm qua giữa đảo quốc sương mù và lục địa già cuối cùng đã đi đến hồi kết trong bầu không khí có phần nghẹn ngào và ảm đạm, sau phiên tranh luận và bỏ phiếu kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ.
Trong lần bỏ phiếu mang tính quyết định này, người ta nhìn thấy hình ảnh các nghị sỹ châu Âu ôm lấy nhau, sẻ chia những cảm xúc trái chiều khi lần đầu tiên trong lịch sử của Liên minh này có một thành viên rời khối.
Europarl mô tả, các nghị sĩ thuộc đảng Brexit của Anh không giấu nổi niềm vui trước kết quả bấy lâu chờ đợi, trong khi nhiều nghị sĩ của một vài nước khác lại bày tỏ sự vui mừng miễn cưỡng, và có cả những giọt nước mắt đã rơi. Trong khán phòng, các nghị sĩ nắm chặt tay nhau, hát vang bài dân ca “Auld Lang Syn” như một lời chia tay, tiễn người bạn cũ lâu năm lên đường.
Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Chủ tịch EP David Maria Sassoli bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi chứng kiến Anh rời khỏi khối, và rằng EU sẽ nỗ lực hết sức để xây dựng một mối quan hệ mới với nước Anh, dù việc kết thúc một sợi dây liên kết tồn tại suốt gần 50 năm qua là chẳng dễ dàng.
“Chúng tôi đánh giá cao mọi công việc mà Anh đã làm trong những năm qua. Các bạn rời khỏi EU, nhưng các bạn vẫn là một phần của châu Âu. Thật khó để chào tạm biệt. Vì thế, những đồng nghiệp của tôi, hãy để tôi nói “cho đến khi chúng ta gặp lại”, ông Sassoli xúc động bày tỏ.
“Chúng tôi sẽ luôn yêu các bạn và chúng tôi sẽ không bao giờ cách xa”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tiếp lời.
Giây phút chia tay đầy nghẹn ngào tại EP sau khi kết quả bỏ phiếu thông qua Brexit được công bố. Ảnh: Reuters |
Cũng trong ngày 29-1, Chủ tịch EC Leyen đã công bố kế hoạch đàm phán ban đầu về mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh hậu ly hôn. Trong đó, bà Leyen nhấn mạnh EU sẵn sàng hướng đến một thỏa thuận thương mại độc nhất vô nhị “không thuế quan, không hạn ngạch”, với điều kiện Anh đảm bảo duy trì cạnh tranh công bằng cho những công ty EU.
Theo đúng lộ trình, Hội đồng châu Âu sẽ chính thức phê chuẩn bằng văn bản quyết định Anh rời EU trong ngày 30-1 (giờ địa phương). Một ngày sau, đúng vào 0h ngày 31-1 theo giờ Brussels, Brexit sẽ chính thức diễn ra, với việc quốc kỳ Anh sẽ được gỡ bỏ khỏi văn phòng EU và cờ EU được hạ xuống tại các cơ quan chính phủ của Anh.
Giây phút này sẽ mở ra một giai đoạn quá độ trong quan hệ giữa Anh và Brussels kéo dài tới ngày 31-12-2020, nhằm đàm phán về mối quan hệ giữa 2 bên trong tương lai, đặc biệt là tìm kiếm một hiệp định thương mại tự do song phương. Dự kiến, các đàm phán về thương mại sẽ được khởi động trong tháng 3 tới.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu sau cuộc gặp tại Paris với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hôm 29-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Chỉ còn 2 ngày nữa, Anh sẽ rời khỏi EU, đó là một ngày buồn, một sự thất bại và là bài học cho tất cả chúng ta”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo nước Anh rằng Paris sẽ không nhượng bộ trước sức ép hay vội vã đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương trong tương lai.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ có bài phát biểu vào tuần tới về những thỏa thuận với EU hậu Brexit, Telegraph đưa tin, trong đó bao gồm những tuyên bố liên quan tới việc tuần tra biên giới và lãnh thổ. Ông Johnson từng cam kết rằng sẽ tìm ra một thỏa thuận toàn diện, có hiệu quả trong mối quan hệ với EU trong tương lai, bao gồm cả vấn đề an ninh. “Chúng tôi có thời hạn đến cuối năm, nhưng chúng tôi sẽ hoàn thiện mọi thứ thật sớm, theo một lộ trình thân thiện và đầy tôn trọng”, người đứng đầu chính phủ Anh khẳng định.
Giờ đây, giới quan sát đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực đàm phán giữa hai phía, với tin tưởng rằng Thủ tướng Anh Johnson sẽ không làm tan vỡ những đấu tranh bền bỉ mà ông đã kiên trì theo đuổi bao năm qua.
Còn với EU, có lẽ cảm xúc của lục địa già được gói gọi trong những chia sẻ bên lề của Chủ tịch EP Sassoli trong ngày bỏ phiếu, rằng sự ra đi của nước Anh là nỗi đau của khối, nhưng việc xây dựng một mối quan hệ đối tác mới dựa trên tinh thần hợp tác thân thiện và lợi ích chung, giờ đây, mới là điều tối quan trọng.