Biện pháp cứng rắn không phải giải pháp tốt cho vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên

Thứ Ba, 27/06/2017, 08:11
Vào cuối tháng này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in sẽ thực hiện chuyến thăm Mỹ để thảo luận với người đồng cấp Donald Trump về những vấn đề khu vực và quốc tế nóng hiện nay, đặc biệt là chương trình đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.

Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 29 – 30-6, là hội nghị cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước có nhà lãnh đạo mới và được kỳ vọng sẽ tìm ra lời giải cho bài toán CHDCND Triều Tiên.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh này, hôm 26-6, Tổng thống Moon Jea-in đã thực hiện cuộc gặp hiếm hoi với 7 cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ để tham khảo ý kiến về các chủ đề quan trọng sẽ thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà tại Washington.

Tổng thống Moon Jea-in nhấn mạnh, cuộc gặp sẽ là một dịp quan trọng để tăng cường mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Tuy nhiên, ông Moon thừa nhận sẽ không quá kỳ vọng có được những kết quả tích cực mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc thiết lập tình bạn và lòng tin cậy lẫn nhau với ông Trump, cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Nhất trí với ý kiến của ông Moon, các cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác bằng việc nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh chứ không phải là thảo luận chi tiết về các vấn đề hiện nay. Và họ cũng không quên nhắc đến vấn đề CHDCND Triều Tiên khi cùng bày tỏ hy vọng 2 nhà lãnh đạo sẽ nhất trí được về cách đối phó với Bình Nhưỡng và kiềm chế khả năng hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Về cơ bản, Mỹ – Hàn đã đạt được nhận thức chung về giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đó là đốc thúc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn việc phát triển vũ khí hạt nhân của mình.

Để thực hiện mục tiêu này, hai bên đều cho rằng cần phải thông qua các biện pháp gây áp lực, cấm vận, đối thoại đối với CHDCND Triều Tiên... song có thể nhận thấy sự khác biệt trong biện pháp thực hiện mục tiêu của mỗi nước.

Tổng thống Moon Jea-in muốn hướng tới một cách tiếp cận mềm dẻo hơn với CHDCND Triều Tiên, cho rằng, cấm vận và gây sức ép là tiền đề để buộc Bình Nhưỡng phải quay trở lại bàn đàm phán, chỉ có thể thông qua đàm phán mới giải quyết được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại có phần cứng rắn hơn khi kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt với CHDCND Triều Tiên, thậm chí còn nhấn mạnh, một giải pháp quân sự luôn được đặt trên bàn. Do đó, với vai trò là hai chủ thể quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp sắp tới, hai nhà lãnh đạo sẽ phải thống nhất cách thức thực hiện để đạt được mục đích chung cuối cùng.

Theo các chuyên gia về vấn đề CHDCND Triều Tiên, cách tiếp cận chỉ dùng các biện pháp trừng phạt sẽ không giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, thay vào đó, cần áp dụng cùng lúc cả biện pháp gây sức ép và đối thoại.

Học giả Frank Aum, từng là cựu cố vấn cấp cao về CHDCND Triều Tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ và ông Ken Gause, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), đều cho rằng, lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không giúp giải quyết vấn đề này, đồng thời nhận xét điều này chỉ làm tăng tốc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo ông Aum, các lệnh trừng phạt và cam kết không loại trừ lẫn nhau, nhưng việc nối lại đàm phán không nên yêu cầu bất cứ điều kiện tiên quyết nào. Vị học giả này cũng chỉ ra rằng, các cuộc trao đổi phi chính phủ có thể không đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán.

Cũng đồng tình với nhận định trên, ông Ken Gause nhận định một chiến lược cân bằng giữa gây sức ép và ràng buộc có thể dẫn tới sự thúc đẩy. Theo vị chuyên gia này, nếu CHDCND Triều Tiên nhận ra việc tiếp tục hướng tới một chương trình hạt nhân sẽ đe dọa những lợi ích cốt lõi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và có một cam kết thay thế hấp dẫn, qua đó giải quyết các lợi ích của họ thì việc đóng băng chương trình này sẽ khả thi.

Liên quan đến vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên, hai chuyên gia này đều không cho rằng Bắc Kinh sẽ có vai trò chủ động hơn.

Trong một diễn biến liên quan, tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad hôm 25-6 tuyên bố chấm dứt mối đe dọa từ chương trình vũ khí và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.

Trong khi đó, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đang xem xét tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật với loại tên lửa trên trước sự chứng kiến của công chúng trong trường hợp CHDCND Triều Tiên thực hiện thêm một hành động khiêu khích chiến lược nữa như thử hạt nhân lần thứ 6.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.