Bầu cử Tổng thống Pháp trước những thay đổi lớn

Thứ Bảy, 25/02/2017, 10:10
Chưa đầy hai tháng nữa, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống, diễn ra trong hai ngày 23-4 và 7-5.

Theo đánh giá của giới chuyên gia phân tích, kết quả của cuộc bầu cử này sẽ tác động đáng kể tới số phận của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). 

Đặc biệt, Eurozone sẽ gần như bị “kết liễu” nếu ứng cử viên Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), giành chiến thắng, khi bà Le Pen theo đuổi chiến dịch tranh cử “trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói của người dân Pháp”, với chủ trương chống Liên minh châu Âu (EU) và nhập cư.

Bà Marine Le Pen đã nhiều lần thể hiện phong cách và quan điểm vận động tranh cử làm gợi nhớ tới cách thức đã giúp ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ trong cuộc đua tháng 11-2016. Và nhiều khả năng bà Le Pen sẽ làm được điều tương tự tại nước Pháp. 

Hồi đầu tháng này, bà Le Pen thúc giục cử tri Pháp “học tập theo” cử tri Mỹ khi “đặt lợi ích quốc gia của chính mình lên trên hết”. Từ đó công bố kế hoạch áp thuế 3% đối với hàng hóa nhập khẩu và áp thêm 10% đối với lương của tất cả người lao động nước ngoài, trong đó có cả công dân của các nước thuộc EU. 

Bà Le Pen theo đuổi chiến dịch tranh cử trả lại tự do cho nước PHáp và tiếng nói của người dân Pháp.

Bên cạnh đó, trong cương lĩnh tranh cử, ứng cử viên theo đường lối cực hữu này cũng liên tục công kích làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu và Pháp, phản đối toàn cầu hóa. Bà Le Pen so sánh toàn cầu hóa với chế độ nô lệ khi “dùng nô lệ để sản xuất và bán hàng cho người thất nghiệp”, đồng thời cam kết đảng FN của mình sẽ “tập trung vào trong nước, thay vì toàn cầu”. 

Theo bà, việc quay trở lại với đồng franc sẽ giúp Pháp giành lại sức cạnh tranh và gia tăng xuất khẩu. Cùng với đó, bà Le Pen tuyên bố sẽ “không chấp nhận chung sống với khủng bố” và “sự tàn bạo của chủ nghĩa Hồi giáo chính thống”. Trước đó, ứng viên đảng FN này từng so sánh cảnh những tín đồ Hồi giáo cầu nguyện trên đường phố với sự hiện diện của binh lính phát xít Đức thời nước Pháp bị chiếm đóng. 

Đánh giá cao quyết định rời EU của nước Anh, nữ chính trị gia này ủng hộ nước Pháp làm điều tương tự qua tuyên bố “Frexit (France - exit) sẽ là một phần chính sách của tôi” và rằng, đồng euro không phải là tiền tệ, mà là một công cụ tống tiền. 

Cùng với đó, bà Le Pen nhấn mạnh, nếu bà trở thành tổng thống, nước Pháp cũng sẽ không còn ở lại trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nữa vì tổ chức này hoàn toàn không cần thiết.

Cũng giống ông Trump, càng gần đến ngày bầu cử, bà Le Pen càng gặp nhiều những “hòn đá” cản đường. Gần đây nhất là sự cố gần giống với vụ “Penelopgate”, chỉ có điều vụ việc ấy không xảy ra tại Pháp mà tại Nghị viện châu Âu (EP), khi bà Le Pen bị cáo buộc chi sai hơn 300.000 USD trong việc sử dụng trợ lý, không phải vì công việc của EP mà phục vụ cho FN.

Theo đó, hôm 23-2, nguồn tin tư pháp của Pháp cho hay, bà Catherine Griset, trưởng trợ lý lâu năm của bà Le Pen, đã bị buộc tội lạm dụng tín nhiệm trong vụ điều tra các cáo buộc liên quan đến việc bà Le Pen chiếm dụng khoảng 360.000 USD từ EP.

Nguồn cơn của sự việc là, hồi tuần trước, Văn phòng chống tham nhũng (OLAF) của EU được tiết lộ rằng, EP đã chi hơn 41.500 euro cho ông Thierry Legier, người được khai khống với vai trò là “trợ lý nghị viện” trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12-2011.

Theo giới chính trị gia Pháp, những gì xảy ra ở Mỹ đã trở thành ngọn gió thúc đẩy chương trình chính trị của đảng FN tại Pháp. Nhưng, con đường tới “ngôi vương” của bà Le Pen sẽ không “trải đầy hoa hồng”.

Tại Pháp, những người ủng hộ của cả hai bên cánh tả và cánh hữu thường kết hợp với nhau để loại bỏ ứng cử viên cực hữu ở vòng bầu cử cuối cùng. Ngoài ra, nguồn lực của nhà lãnh đạo FN không thể so sánh với tỷ phú Trump. 

Chuyên gia về các xu thế cực hữu châu Âu Jean-Yves Camus nhận định: “Le Pen là ứng cử viên của đảng bên lề hệ thống, còn Donald Trump là ứng cử viên của đảng Cộng hòa”. Mặc dù vậy, ứng cử viên theo đường lối cực hữu này không thiếu người ủng hộ…

Minh Nhật
.
.
.