Bài học từ "đợt sóng thần" COVID-19 tại Ấn Độ
- Ấn Độ lao đao trong cơn "ác mộng" COVID-19
- Người Ấn giàu có ra nước ngoài, người nghèo đổ về quê "trốn" COVID-19
Liên tiếp các kỷ lục COVID-19 mới bị xô đổ, hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ, nhiều người giàu chạy ra nước ngoài để bảo vệ tính mạng dù giá vé máy bay bị đẩy lên gấp 10 lần bình thường – những điều này cho thấy tình hình nguy cấp của Ấn Độ trước làn sóng COVID-19 mới. Ấn Độ được miêu tả đã bị thất thủ trong bối cảnh nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, trong đó có Thủ đô New Delhi, ra thông báo nguồn ôxy sắp cạn kiệt.
Tình trạng khan hiếm khẩn cấp hiện nay không phải do Ấn Độ đã cạn kiệt ôxy. Vấn đề chính là ôxy không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Sự chậm trễ này là do các cơ sở sản xuất ôxy được đặt ở rất xa, mạng lưới phân phối lại rộng lớn và cũng có một phần là do lỗi của chính phủ.
Trong suốt tuần qua, tại một số bệnh viện tại Thủ đô New Delhi, những nơi không có năng lực đáp ứng nhu cầu ôxy lớn, đã phải kêu gọi tìm kiếm nguồn cung ôxy khẩn cấp. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tình hình dịch bệnh tại các bang lân cận New Delhi như Uttar Pradesh, Haryana cũng diễn biến rất xấu, số lượng bệnh nhân nhập viện quá tải khiến các nhà máy sản xuất phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu địa phương. Do đó, các bệnh viện tại thủ đô phải đặt hàng từ các nhà máy xa hơn tại các khu công nghiệp ở phía Đông của Ấn Độ.
Lý giải cho việc giao ôxy bị trì hoãn là do các nhà máy sản xuất ôxy công nghiệp phục vụ cho thủ đô của Ấn Độ lại nằm ở 7 bang khác nhau. Một số nhà máy còn cách New Delhi đến hơn 1.000km. Do đặc tính dễ cháy nổ của loại vật liệu này, tất cả các lô hàng ôxy hóa lỏng đều phải vận chuyển trong các bồn chứa đặc chủng, phải lên kế hoạch vận chuyển chi tiết để đảm bảo việc giao hàng đúng thời hạn.
Trong những ngày qua, khi tình trạng tranh giành ôxy y tế giữa các bang tại Ấn Độ ngày càng trở nên tồi tệ, giới chức một số địa phương đã làm gián đoạn việc vận chuyển ôxy để đáp ứng nhu cầu tại địa phương của mình trước.
Do đó, New Delhi chỉ nhận được 177 tấn ôxy tinh khiết vào ngày 21/4, thay vì 378 tấn như được phân bổ. Tuy nhiên, một số nguồn tin địa phương lại cho rằng các bệnh viện tại New Delhi đã đặt hàng mà không tính cả thời gian vận chuyển ôxy qua nhiều bang bằng đường bộ.
“Tình trạng này sẽ không xảy ra nếu các bang lên kế hoạch và đặt hàng sớm hơn cách đây từ 2 đến 3 tuần”, nguồn tin cho biết. Phía chính quyền Delhi cũng không có phản hồi về việc lên kế hoạch mua ôxy.
Số lượng người chết vì COVID-19 tại Ấn Độ tăng cao khiến các giàn hỏa táng liên tục đỏ lửa. Ảnh: The New York Times. |
Trước bối cảnh trên, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan hôm 24/4 phải lên tiếng kêu gọi người dân không hoảng loạn: “Chúng ta cần phải có sự kiên nhẫn. Hầu hết mọi người đều hiểu trong năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự chăm sóc tại nhà nếu không quá nghiêm trọng. Không cần phải tạo ra sự hoảng loạn, cố tìm cách đến bệnh viện trong khi chúng ta có thể tự giải quyết được”.
Và để giải quyết cuộc “khủng hoảng ôxy”, Chính phủ đã huy động các tàu chở hàng của Ấn Độ vận chuyển các bồn chứa ôxy từ nhà máy tới các địa phương đang có nhu cầu cấp thiết nhất. Hợp tác với tập đoàn khí đốt công nghiệp Linde India (LIND.NS) và nhiều công ty khác, Ấn Độ cũng đang sử dụng máy bay chở hàng của Không quân để chuyển các bồn chứa rỗng đến các nhà máy sản xuất. Sau đó, các bồn chứa này lại được bơm đầy và đưa trở lại bằng đường bộ.
Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang nhập khẩu 23 máy sản xuất ôxy lưu động của Đức để sẵn sàng cho tình huống xấu hơn. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng cho biết đang hỗ trợ ôxy tinh khiết cho các bệnh viện. Tập đoàn đa ngành Tata của Ấn Độ đã nhập khẩu 24 container chuyên dụng để vận chuyển ôxy lỏng. Chính phủ nước này cũng ban hành lệnh chuyển đổi các bồn chứa khí argon và nitrogen để phục vụ vận chuyển ôxy y tế.
Có nhiều lý do dẫn đến đợt "sóng thần" COVID-19 này tại Ấn Độ, trong đó phải kể đến việc chính quyền nước này mất cảnh giác dỡ bỏ các biện pháp hạn chế khi dịch có dấu hiệu tạm lắng.
Chiến dịch tiêm vaccine của nước này cũng diễn ra chậm chạp khi chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ đã được tiêm. Ngoài ra, các biến thể mới xuất hiện tại Ấn Độ khiến tốc độ lây lan mạnh hơn. Hiện nhiều quốc gia đang đề nghị hỗ trợ Ấn Độ vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ sẽ là bài học cho nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang phải đối phó với các đợt lây nhiễm mới. Đông Nam Á có nhiều quốc gia chống dịch thành công thời gian qua lại đang oằn mình hứng sóng dịch. Chính quyền thành phố Bangkok của Thái Lan chuẩn bị các nguồn lực đối phó với các ca mắc mới tăng cao.
Tổng giám đốc Cơ quan dịch vụ y tế Thái Lan Suksan Kittisupakorn cho biết: “Chúng tôi có mục tiêu tăng thêm 10 nghìn giường bệnh tại thủ đô, để trấn an người dân rằng, chúng tôi vẫn có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh này với sự hỗ trợ của chính phủ và các mạng lưới khác”.
Trong khi đó, chính quyền Phnom Penh, Campuchia hôm 24/4 thông báo đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh tại thủ đô trong vòng 14 ngày, sau khi số ca mắc mới liên tiếp tăng cao trong những ngày qua. Lào cũng chứng kiến 2 ngày liên tiếp ghi nhận mức tăng 2 con số, với tâm điểm vùng dịch vẫn là Thủ đô Viêng Chăn. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam.
Trong bối cảnh đối mặt với làn sóng COVID mới, chủ động ngăn ngừa dịch, kiểm soát các ca lây nhiễm mới được các quốc gia đặc biệt quan tâm, khi nhiều nước trong khu vực có hệ thống y tế yếu kém để chống đỡ dịch bệnh.
Nhận định về giải pháp cho khu vực, ông Jonathan Ostry, Phó Giám đốc, Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Khu vực ASEAN đang trong bối cảnh bùng phát trở lại của đại dịch, đáng chú ý nhất là ở Indonesia, Malaysia và Philippines. Vì vậy, việc triển khai vaccine là cần thiết. Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng sẽ tốn kém về mặt kinh tế, nhưng là cần thiết hiện nay đối với khu vực”.