Bà Hillary Clinton bỏ xa đối thủ Trump sau tranh luận cuối cùng

Thứ Sáu, 21/10/2016, 08:08
Mặc dù bà Clinton được đánh giá là bỏ xa đối thủ, nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về một lựa chọn cuối cùng khi thời gian cán đích còn hơn hai tuần nữa.


Như vậy là đã khép lại cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng – cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỉ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa, diễn ra vào tối 19-10 (giờ địa Phương - sáng 20-10 giờ Việt Nam) tại Đại học Nevada ở Las Vegas. Mặc dù bà Clinton được đánh giá là bỏ xa đối thủ, nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về một lựa chọn cuối cùng khi thời gian cán đích còn hơn hai tuần nữa.

Khác với hai lần tranh luận trước, thay vì tập trung công kích lẫn nhau liên quan tới các vấn đề đời tư, trong cuộc tranh luận này, cả bà Clinton và ông Trump đều chú trọng tới các nội dung mang tính quốc gia đại sự, gắn liền với các chính sách đối nội và đối ngoại rõ ràng. Hai đối thủ đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt của mình trong từng vấn đề.

Đánh giá về cuộc tranh luận này, giới phân tích cho rằng, cả cựu Ngoại trưởng Clinton và tỉ phú Trump đã có màn thể hiện khá nghiêm túc khi họ không còn cơ hội để “so găng” trực diện trước ngày bầu cử 8-11 tới.

 Cả hai ứng cử viên đã làm khá tốt vai trò của một chính khách trên đường đua hướng tới đỉnh cao quyền lực. Tuy vậy, ông Trump bị đánh giá là khá kém cạnh so với đối thủ sau những thể hiện khá mờ nhạt trong hai lần tranh luận trước.

Vị tỉ phú này ban đầu có vẻ bình tĩnh và kiên nhẫn nhưng càng về sau ông lại trở lại với tính cách của mình khi liên tục ngắt lời và chỉ trích đối thủ. Như mọi khi, ông Trump vẫn không trả lời trực tiếp các câu hỏi mà lái sang vấn đề khác hoặc quay sang phê phán vấn đề của đối thủ.

Trái với cuộc tranh luận trước, ông không có được cách thể hiện liên tục công kích đối thủ, điều mà nhiều người cho rằng ông đã làm tốt để chặn đà giảm uy tín của mình. 

Cùng với màn thể hiện này là những tiết lộ mới không mấy dễ chịu, những chỉ trích từ cử tri và chính giới. Nội bộ đảng Cộng hòa cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc đối với ứng cử viên mà họ bất đắc dĩ phải ủng hộ này.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy đại diện đảng Cộng hòa đang ở thế bám đuổi đối phương với cách biệt xấp xỉ hai chữ số. Tất cả tạo nên cảm giác thiếu an toàn cho những ai ủng hộ tỷ phú này.

Cả cựu Ngoại trưởng Clinton và tỉ phú Trump đã có màn thể hiện khá nghiêm túc khi họ không còn cơ hội để “so găng” trực diện trước ngày bầu cử 8-11 tới. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, dường như có được sự chuẩn bị tốt hơn, tự tin và bình tĩnh hơn mặc dù có những lúc cũng bị cuốn vào việc tranh cãi với ông Trump, bà Clinton đưa ra được nhiều lập luận và dẫn chứng hơn, đặc biệt là các vấn đề, các câu nói của ông Trump.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton được đánh giá là đang ở thế thuận lợi hơn nhiều với một tỷ lệ ủng hộ ổn định cùng một êkíp hỗ trợ bài bản, có kinh nghiệm lâu năm trên chính trường và sự hậu thuẫn tuyệt đối của các chính khách kỳ cựu trong đảng Dân chủ cũng như chính giới Mỹ nói chung. Những điều này đã giúp bà Clinton tạo được một cảm giác an tâm cho người đối diện.

Một điểm tương đối gây chú ý đối với người xem trong cuộc “so găng” đó là câu trả lời của ông Trump về việc có chấp nhận kết quả bầu cử hay không.

Ông Trump không nói cụ thể mà trả lời rằng sẽ có câu trả lời sau. Đây cũng là một vấn đề gây sự chú ý của dư luận trước cuộc tranh luận khi ông Trump tuyên bố rằng, cuộc bầu cử bị gian lận và cáo buộc giới truyền thông thiên vị và không trung thực.

Cụ thể, phát biểu trước đám đông ủng hộ tại một cuộc vận động tranh cử ở thành phố Ocala, bang Florida, ông Trump nói đã chi hơn 100 triệu USD cho chiến dịch tranh cử và nếu không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay thì đó chính là “sự lãng phí lớn nhất về thời gian, sức lực và tiền bạc” trong cuộc đời mình.

Trước những tuyên bố của ông Trump, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích việc ông Trump than vãn về gian lận bầu cử kể cả khi nó chưa diễn ra, kêu gọi ông Trump nên chấm dứt ngay những cáo buộc không có cơ sở này.

Trong khi đó, dư luận báo chí cho rằng, những cáo buộc nêu trên của ông Trump sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền chính trị Mỹ bởi nó có thể khiến người dân mất lòng tin vào hệ thống bầu cử. Chỉ dấu liên quan dường như đã xuất hiện.

Kết quả điều tra của Politico/Morning Consult đối với 2.000 cử tri Mỹ đã đăng ký, công bố hôm 17-10 cho thấy 41% số người được hỏi nghĩ gian lận phiếu bầu có thể đánh cắp chiến thắng của ông Trump.

Nhưng vấn đề đáng lo hơn là nếu ông Trump không công nhận thất bại, tìm cách đổ lỗi thất bại của mình cho người khác và tiếp tục đưa ra những lời nói kích động, những người ủng hộ vị tỉ phú này do phẫn uất mà có thể có hành động cực đoan.

Chuyên gia chính trị thuộc Đại học George Washington, ông Matt Dallek cho rằng, tình hình khi đó chắc chắn sẽ phức tạp hơn.

Hiện chưa thể khẳng định liệu bạo lực có xảy ra hay không, nhưng tại một quốc gia mà mỗi người dân đều sở hữu ít nhất một khẩu súng thì chỉ một phần tử ủng hộ Trump có tư tưởng cực đoan cũng có thể tạo ra thảm kịch.

Khổng Hà
.
.
.