ASEAN hợp tác tăng cường an ninh mạng

Thứ Tư, 20/09/2017, 10:14
Các quốc gia thành viên ASEAN hôm 18-9 đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp nhằm bảo mật không gian mạng để chống lại các mối đe dọa trực tuyến ngày càng tinh vi.

Hãng tin The Strait Times cho hay, các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao của các nước thành viên ASEAN và 5 nước đối thoại, đối tác của ASEAN gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN về an ninh mạng (AMCC) lần thứ 2 được tổ chức tại Singapore để thảo luận về vấn đề hợp tác, tăng cường đối phó với các nguy cơ tấn công mạng trong lĩnh vực kinh tế.

Singapore sẽ dành 1,5 triệu USD trong 3 năm tới để đào tạo các nhân viên kỹ thuật an ninh mạng tại ASEAN. Ảnh: ST.

Tại đây, các nước đều nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường sự phối hợp nhằm đảm bảo các nỗ lực bảo mật không gian mạng của ASEAN được triển khai trên nhiều nền tảng khác nhau nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đại diện các quốc gia thành viên ASEAN cũng bày tỏ sự ủng hộ về việc xây dựng cẩm nang hướng dẫn việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong nội khối một cách có trách nhiệm. Đồng thời khẳng định điều này sẽ giúp tăng cường lòng tin giữa các quốc gia thành viên, tạo niềm tin vào việc khai thác một cách đầy đủ tiềm năng của không gian mạng nhằm mang lại sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn.

Theo đó, một chiến lược an ninh mạng vững chắc phải là chiến lược toàn diện, xử lý được đầy đủ các lớp tấn công khác nhau, bao gồm phòng thủ, phản ứng và có thể giải tỏa được các nguy cơ.

Một lộ trình hiệu quả để xây dựng được một chiến lược kiên cố có thể bao gồm các bước: Gia tăng nhận thức và mức độ hiểu biết cho cộng đồng; đảm bảo tính sẵn sàng nhờ tạo ra một tổ chức có trách nhiệm liên kết và điều phối các công tác an ninh mạng và biện pháp phòng bị trước những cuộc tấn công nhắm vào các tổ chức nhà nước; ngăn chặn các cuộc tấn công nhờ xây dựng và bảo trì một dây chuyền công nghệ thông tin có bản quyền cùng hạ tầng mạng an toàn; phản hồi hiệu quả bằng các công cụ pháp lý trong nước, khu vực và quốc tế để xử lý các vấn đề sau một cuộc tấn công mạng; giảm thiểu thiệt hại bằng cách thành lập nhóm “giám định pháp y mạng” tại khu vực.

Trên thực tế, cách đây 14 năm, 10 quốc gia ASEAN đã đưa tội phạm mạng vào Kế hoạch hành động đối phó tội phạm xuyên quốc gia. Tháng 9-2013, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) báo cáo, 8/10 quốc gia ASEAN đã có các quy định về tội phạm mạng vượt tiêu chuẩn quốc tế.

Báo cáo của hãng bảo mật FireEye cũng cho biết, các doanh nghiệp trong khu vực này đang thu hút sự quan tâm của nhiều gián điệp và tội phạm mạng, những kẻ đang tìm cách tấn công đánh cắp thông tin của những ngành công nghiệp đang phát triển như năng lượng, viễn thông, công nghệ cao, giao thông vận tải và tài chính, đặc biệt trong bối cảnh khu vực này vừa thành lập Cộng đồng kinh tế chung.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Singapore cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế số của ASEAN có thể sẽ tăng trưởng lên mức 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong đó thương mại điện tử có thể sẽ đạt gần 90 tỷ USD. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cùng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng cho các hoạt động kinh tế kể trên của các quốc gia thành viên ASEAN còn tương đối nghèo nàn, khiến nền kinh tế số phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức lớn.

Vì thế, vào tháng 10 năm ngoái, nhằm tăng cường nguồn lực và chuyển giao công nghệ an ninh mạng giữa các quốc gia trong khu vực, Singapore đã chính thức công bố chương trình "Năng lực không gian mạng của ASEAN" với tổng ngân sách là 10 triệu USD.

Không chỉ chi trả cho các nguồn lực, chuyên gia và hoạt động đào tạo, ngân sách của chương trình này còn hỗ trợ việc thảo luận, tư vấn những hoạt động liên quan đến việc hình thành các cơ quan an ninh mạng quốc gia, xây dựng chiến thuật an ninh mạng và cả luật pháp.

Năm nay, tại AMCC lần thứ 2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Singapore Yaacob Ibrahim cho biết, Singapore sẽ dành 1,5 triệu USD trong 3 năm tới để đào tạo các nhân viên kỹ thuật an ninh mạng tại ASEAN. Đồng thời, ông Yaacob Ibrahim cho biết thêm, Dự luật An ninh mạng của Singapore sẽ được đưa ra vào năm 2018, trong đó yêu cầu các tổ chức tư nhân và công chúng phải báo cáo các vi phạm liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng về mạng cho Cơ quan an ninh không gian mạng (CSA).

Trong khi đó, Indonesia tiết lộ rằng, gần đây nước này đã thành lập cơ quan về an ninh mạng mang tên Cơ quan Mật mã và Quốc gia. Nhiệm vụ của cơ quan này kết hợp với Nhóm phản ứng sự cố an ninh Indonesia về cơ sở hạ tầng Internet và cơ quan mật mã của nhà nước để bảo đảm tốt hơn cho an ninh mạng trong nước.

Riêng Malaysia thì có bước đi khác để tăng cường nguồn tài nguyên an ninh không gian mạng bằng cách cho phép Tổng công ty kinh tế kỹ thuật số ký một thoả thuận với Tổ chức bảo vệ tập đoàn quốc tế hồi tháng 12 năm ngoái và thành lập một Viện An ninh không gian mạng với các khóa đào tạo được tổ chức dưới sự giúp sức của chuyên gia đến từ Cơ quan an ninh thông tin chính phủ của Anh.

Phan Hiển
.
.
.