Việt Nam nỗ lực ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã
Năm 2021, Việt Nam đã phát hiện hơn 1.500 vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Những số liệu này vừa được đưa ra tại Hội thảo về phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã do Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (PCTP) về môi trường Bộ Công an và Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Trao đổi cùng phóng viên về một số vấn đề quan tâm được đưa ra thảo luận tại Hội thảo phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã lần này, đặc biệt là về tình hình tội phạm, vi phạm liên quan công tác bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam thời gian qua, Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCTP về Môi trường Bộ Công an cho biết: Trong những năm qua, hoạt động mua bán động vật hoang dã ở Việt Nam còn diễn ra phức tạp. Do vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam bị các đối tượng lợi dụng làm tuyến đường trung chuyển để buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã. Các hoạt động vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các loài động vật hoang dã trong tự nhiên và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Vi phạm xảy ra trên cả các tuyến đường bộ, các cửa khẩu biên giới, đường hàng không và hàng hải. Trên các tuyến đường bộ, các đối tượng thường lợi dụng việc gây nuôi, việc cấp phép của CITES đối với nhóm IIB để kết hợp vận chuyển, kinh doanh động vật hoang dã nhóm IB như hổ, báo (còn sống và đông lạnh) hoặc nhóm IIB có giá trị kinh tế cao như tê tê… Trong đó, tình trạng buôn bán vận chuyển động vật hoang dã có xu hướng diễn biến phức tạp, gia tăng ở các cửa khẩu, cảng biển quốc tế.
Đơn cử như trên đường biển, các đối tượng lợi dụng các hợp đồng chuyên chở hàng hóa, đặc biệt là hàng đông lạnh để vận chuyến các nhóm hàng ngà voi, tê tê đông lạnh, vảy tê tê, rùa biển. Qua các tuyến hàng không, thời gian qua cơ quan chức năng cũng đã phát hiện khá nhiều vụ vận chuyển sừng tê giác, ngà voi, các sản phẩm chế tác từ ngà voi với số lượng và giá trị lớn. Đối tượng tham gia, bao gồm cả đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài.
Thông qua các hoạt động giao thương quốc tế, các đối tượng người Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng Việt Nam ở nước ngoài, các đối tượng Việt kiều hay người nước ngoài tham gia hình thành các đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia và nhiều thủ đoạn nhằm đối phó, trốn tránh sự kiểm tra phát hiện của các cơ quan chức năng như: sử dụng không gian mạng, lợi dụng cơ chế, chính sách, sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế để hoạt động phạm tội.
Đại tá Lê Thơm cũng cho biết, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khai thác, buôn bán trái phép động vật hoang dã và các loại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, Chính phủ Việt Nam đã hết sức coi trọng và đang tập trung đầu tư cho nhiệm vụ phòng, chống loại tội phạm này.
Trong những năm qua, bằng nội lực của mình và với sự giúp đỡ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt nhiều chủ trương, biện pháp tích cực nhằm tăng cường công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã, ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2021, Công an các đơn vị, địa phương cả nước đã phát hiện 1.509 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, buôn bán động vật hoang dã; khởi tố 269 vụ với 377 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 1.066 vụ với tổng số tiền 10.924,58 tỷ đồng.
Đơn cử một trong những vụ án nổi bật trong năm 2021 là việc đường dây vận chuyển, buôn bán vảy tê tê lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước được lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phát hiện, triệt phá, khởi tố 4 đối tượng trong đường dây gồm: Nguyễn Thị Chính (SN 1988, ở xã Hợp Hòa, thôn Tam Dương, Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Sự, (SN 1980), cùng ở xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc và Hoàng Thị Hiền Phương (SN 1984, ở xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội) và Nguyễn Thị Hà (SN 1988, ở xã Hợp Hòa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc), thu giữ tổng cộng 984kg vảy tê tê cây bụng trắng.
Không chỉ đấu tranh mạnh với loại tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã, công tác phối hợp hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm này, đặc biệt là với Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã có những bước phát triển mới. Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có hiệu quả. Điển hình là Hội nghị song phương về hợp tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã giữa Việt Nam và Lào tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 23 - 26/07/2019. Tại Hội nghị, hai bên đã ký kết Biên bản Hội nghị về phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã giữa Việt Nam và Lào, thể hiện cam kết cũng như quyết tâm mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường hai nước trong phối hợp phòng, chống loại tội phạm này.
Tuy nhiên, do bị tác động, ảnh hưởng bởi tình hình khai thác, buôn bán động vật hoang dã trái phép trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đây là hoạt động mang lại lợi nhuận cao nên tình hình vi phạm liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn diễn ra phức tạp. Trước tình hình này, lực lượng Cảnh sát PCTP về Môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, cũng như tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác này; mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế hợp tác, hỗ trợ cho công tác PCTP về môi trường của Việt Nam ngày càng hiệu quả.
Đánh giá sơ lược về những kết quả thu được từ Hội thảo lần này, Đại tá Lê Thơm cho biết, Hội thảo đã khẳng định những nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã; là dịp để Công an các đơn vị, địa phương trao đổi, chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán trái phép, góp phần giảm thiểu rủi ro về lây lan dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đảm bảo ANTT trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời, cũng thể hiện trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, góp phần thực thi có hiệu quả các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.