Thủ đoạn mới trong cho vay lãi nặng

Thứ Năm, 11/08/2022, 08:03

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Công an đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm "tín dụng đen". Và đáng nói, các đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới để "thích ứng", nhằm qua mặt cơ quan chức năng…

Quay lại clip thay cho việc "cầm" giấy tờ

Ngày 8/8, Trung tá Võ Duy Thắng, Đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm (Đội 3) Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa bắt nhóm 6 đối tượng để điều tra xử lý về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

tin dung den (3).jpg -0
Nhóm đối tượng cho vay lãi nặng do Mạnh và An cầm đầu bị tạm giữ.

Khoảng 14h ngày 3/8, sau quá trình theo dõi, tổ trinh sát Đội 3 bất ngờ áp sát, kiểm tra hành chính đối tượng Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1990, tạm trú xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và Cao Xuân Dũng (SN 1991, cùng quê Hải Phòng) tại đường Lê Văn Thọ, phường 14, quận Gò Vấp. Qua đó, các trinh sát đã phát hiện, lập biên bản thu giữ của Mạnh và Dũng 4 điện thoại di động (ĐTDĐ), 1 xe máy hiệu SH Mode, cùng nhiều chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD), hộ khẩu và các loại giấy tờ tùy thân mang tên nhiều người khác nhau.

Kiểm tra dữ liệu điện thoại của Mạnh, trinh sát phát hiện Mạnh có lưu trữ rất nhiều đoạn clip thể hiện nội dung có người vay tiền của Mạnh với lãi suất cao. Từ lời khai của Mạnh và Dũng, ngày 4/8, Đội 3 đồng loạt tiến hành bắt giữ Nguyễn Mai An (SN 1986, quê Hải Phòng), Nguyễn Văn Cường (SN 1997, quê Phú Thọ), Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1984, quê Hải Phòng) và Bùi Ngọc Phương (SN 2002, quê Hải Phòng, cùng cư ngụ phường 11, quận Gò Vấp) để mở rộng điều tra.

An và Mạnh là hai đối tượng cầm đầu nhóm cho vay. Tang vật thu giữ bước đầu của nhóm An - Mạnh gồm 48 CMND, 15 CCCD, 26 sổ hộ khẩu (gồm cả photo và bản chính), 6 giấy vay tiền, 18 giấy phép lái xe, 7 cà vẹt xe, 5 giấy khai sinh, 1 hộ chiếu…, cùng nhiều cuốn tập có chữ ký của Mạnh, An và nhóm đối tượng dùng vào việc theo dõi con nợ và thu hồi tiền... Bước đầu, nhóm An - Mạnh thừa nhận cho khoảng vài chục người vay, với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.

Đối tượng Nguyễn Hữu Mạnh khai nhận trong nhóm số tiền để bỏ ra cho khách vay là của Mạnh, Dũng và An. Cường, Phương và Tuyền là những người làm công ăn lương. Mạnh là người giữ các số điện thoại đã đăng trên tờ rơi quảng cáo để người cần vay tiền sẽ liên lạc. Nhận được điện thoại của người vay, nhóm An - Mạnh sẽ đến tận nhà để xác minh nơi ở hoặc công ty làm việc, nếu thấy đúng sẽ cho giải ngân.

Theo lời Mạnh thì hiện tại nhóm đang có khoảng 30 khách đang thực hiện việc vay và trả lãi. Còn trước đó có khoảng 50 khách nhóm đã cho vay, nhưng đa số là "bễ" (không trả được tiền gốc và lãi) nên nhóm đối tượng này phải áp dụng nhiều biện pháp để đòi nợ...

Mạnh khai nhận từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh năm 2017, rồi đi làm thuê cho một công ty. Đến năm 2019 do dịch bệnh COVID-19, Mạnh thất nghiệp. Sau đó, do có chút tiền dành dụm được nên Mạnh tự bỏ ra để cùng các đối tượng khác "gây dựng" nên nhóm cho vay lãi nặng này, hoạt động từ tháng 3/2022 đến nay bằng hình thức in tờ rơi phát tận cổng, sân nhà dân vào khoảng thời gian từ 3h đến 5h sáng. Số tiền nhóm này cho khách vay phần nhiều là trên dưới 10 triệu đồng, số ít được vay vài chục triệu đồng. Lãi suất cho vay là 30%/tháng và người vay phải trả góp trong vòng 24-30 ngày.

Đối tượng Nguyễn Hữu Mạnh khai nhận gần đây nhóm này hầu như không giữ giấy tờ gì của khách để thế chấp vay tiền (nhất là với số tiền cho vay 5-10 triệu đồng), chỉ số tiền cao mới giữ (trước đây là chúng sẽ giữ các bản chính hay bản photo về CCCD, CMND, cà-vẹt, giấy phép lái xe…). Lý do của việc này là do các đối tượng lo sợ gặp Công an kiểm tra sẽ có bằng chứng để buộc tội nên chúng chuyển sang phương thức mới sẽ quay clip trực diện mặt người vay, yêu cầu họ tự đọc tên tuổi, địa chỉ số nhà hoặc tên công ty, cùng số tiền vay. Clip quay được chúng dùng để thay cho các giấy tờ thế chấp viết vay nợ.

Không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng từ "tín dụng đen"…

Ngoài vụ án kể trên, trong tháng 6 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận Bình Thạnh, Bình Tân… đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ việc "tín dụng đen" với hơn 1.000 nạn nhân, trải khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Những vụ việc này cho thấy thực trạng "tín dụng đen" hiện vẫn hoạt động phức tạp trên địa bàn nhiều quận, huyện TP Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh, trong khoảng một năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến "tín dụng đen", trong đó Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can. Những vụ "tín dụng đen" làm tình hình phức tạp về ANTT, có đến 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng.

Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ mang lại những hiệu quả rõ rệt như công tác điều tra, đề nghị truy tố; ngành tòa án xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ án được truy tố, xét xử tăng, qua đó, đánh giá việc đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã đánh trúng, đánh mạnh vào hoạt động phạm tội cho vay lãi nặng, phát hiện ngay từ sớm, không để phát sinh các hành vi phạm tội nghiêm trọng khác có nguyên nhân từ "tín dụng đen"…

Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân khi bị đối tượng đòi nợ với phương thức thủ đoạn như trên thì nên ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho cơ quan Công an và các cơ quan chức năng nhằm làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết, cần tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua, tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.

Phú Lữ
.
.
.