Nỗi ân hận của người chồng "đẩy" vợ vào tù trong vụ chuyến bay giải cứu

Thứ Năm, 20/07/2023, 13:11

Sáng 20/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục tranh luận với phần bào chữa của các bị cáo và luật sư. Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) trình bày hoàn cảnh dẫn đến con đường phạm tội.

Bị cáo Mạnh là Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury. Vợ Mạnh là bị cáo Vũ Thùy Dương. Quá trình điều hành công ty, vợ chồng Mạnh thành lập Công ty Lữ Hành Việt, do Dương đứng tên làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật. 

Công ty Lữ Hành Việt hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và tham gia thực hiện ba chuyến bay thí điểm do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) ủy quyền. Sau đó, Công ty Lữ Hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận. 

Khoảng tháng 1/2021, bị cáo Mạnh bàn bạc với bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để Công ty Lữ Hành Việt được cấp phép thực hiện chuyến bay. Bị cáo Kiếm đồng ý giúp và hai bên thống nhất, chia lợi nhuận sau khi thực hiện chuyến bay.

Bị cáo Dương chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ đưa bị cáo Kiếm xin công văn cấp phép, chuyển tiền khi có yêu cầu.

Sau khi liên hệ được với một số cá nhân có thẩm quyền cấp duyệt tổ chức chuyến bay tại Văn phòng Chính phủ, bị cáo Kiếm yêu cầu bị cáo Mạnh chuyển tiền thì mới có công văn. Bị cáo Mạnh chỉ đạo bị cáo Dương chuyển 1 tỷ đồng và 350.000 USD cho bị cáo Kiếm. 

Vợ chồng doanh nghiệp đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng để có các “chuyến bay giải cứu” -0
Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (đứng) tại phiên tòa.

Cuối tháng 8/2021, bị cáo Mạnh chỉ đạo bị cáo Dương trao đổi, bàn bạc với bị cáo Kiếm để xin cấp phép chuyến bay combo cho Công ty Lữ Hành Việt. Sau đó, bị cáo Dương đưa 600.000 USD cho bị cáo Kiếm chi cho một số cán bộ ở Bộ Ngoại giao để xin được cấp phép tổ chức thực hiện 11 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. 

Tháng 10/2021, bị cáo Mạnh thấy bị cáo Kiếm chi tiền xin cấp phép chuyến bay quá lớn nên đã trực tiếp liên hệ, nhờ một số cá nhân có thẩm quyền và xin được chuyến bay cho Công ty Hoàng Long Luxury. 

Khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Mạnh có hành vi đưa hối lộ 22 lần tổng số tiền gần 28 tỷ đồng; bị cáo Dương có hành vi đưa hối lộ 17 lần tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mạnh từ 7 - 8 năm tù; bị cáo Dương từ 2 - 3 năm tù. Cũng liên quan đến hành vi đưa hối lộ gần 23 tỷ đồng, bị cáo Kiếm bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.

Bào chữa cho mình, bị cáo Mạnh đề nghị Hội đồng xét xử cho vợ là bị cáo Dương thay bị cáo được ở ngoài xã hội để thực hiện nghĩa vụ của người làm mẹ, làm cha đối với các con.

Theo lời bị cáo Mạnh, tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Dương bị lệ thuộc hoàn toàn vào bị cáo cả công việc và tình cảm. “Thời điểm dịch COVID - 19, vợ bị cáo đang nuôi con nhỏ một tuổi, mọi hành vi Dương làm đều theo sự chỉ đạo của bị cáo vì bị cáo sai khiến vợ. Và chính bị cáo đã đẩy vợ vào con đường phạm tội, dù là vô tình”, bị cáo Mạnh bào chữa.

Cũng theo trình bày của bị cáo Mạnh, suốt thời gian 2 năm dịch COVID - 19, nhân viên công ty chỉ mong muốn được làm việc và bị cáo thấy đó là mong muốn rất chính đáng.

Bị cáo nhận được nhiều cuộc gọi của khách hàng đăng ký mua vé máy bay về nước. Và bị cáo có danh sách gần 1.000 công dân với đầy đủ địa chỉ, hoàn cảnh có thể về nước được. Để thực hiện các chuyến bay, bị cáo chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ưu tiên những công dân có hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, bị cáo tin rằng, dù xét duyệt dưới hình thức nào thì doanh nghiệp của mình cũng đủ điều kiện để được cấp phép.

“Tuy nhiên, khi gửi hồ sơ thì công ty không được xét duyệt nên bị cáo đã rất thất vọng... Lúc đó, bị cáo vẫn quyết tâm, cố gắng xin được thực hiện chuyến bay. Đến giờ phút này, bị cáo khẳng định, chính những hành vi mập mờ đã thúc ép hành động của bị cáo, thúc đẩy bị cáo và đồng nghiệp vào tù”, bị cáo Mạnh trải lòng.

Lý giải cho hành vi phạm tội của mình, bị cáo Mạnh cho rằng, mục đích chỉ vì muốn có việc làm cho nhân viên và bị cáo đã giao cho bị cáo Kiếm đi xin cấp phép các chuyến bay.

Cho đến khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết biết việc bị cáo Kiếm dùng tiền vợ chồng bị cáo đưa để đưa hối lộ. Bị cáo Mạnh thừa nhận, hành vi đưa hối lộ là phạm tội và bị cáo đã thành khẩn nhận tội. Bị cáo Mạnh mong Hội đồng xét xử xem xét cho hoàn cảnh phạm tội của bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và vợ bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương cho rằng, xét nguyên nhận, động cơ phạm tội thì mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Dương là quá cao, vì số tiền bị cáo Dương đưa cho bị cáo Kiếm đi lo thủ tục cấp phép chuyến bay đều được tính thành tiền đưa hối lộ là quá nặng nề, và thiệt thòi đối với bị cáo Dương... 

Kết thúc phần bào chữa, luật sư không có ý kiến về tội danh, mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Dương vì phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, các con còn nhỏ, chồng bị cáo cũng bị xét xử trong vụ án này.

Nguyễn Hưng
.
.
.