“Con rể ảo” đe dọa bố vợ chuyển hơn 500 triệu đồng

Chủ Nhật, 25/08/2024, 06:54

Nhận thấy hành vi bất thường của người rút tiền, nhân viên ngân hàng Vietinbank tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tìm cách trì hoãn việc rút tiền, đồng thời báo sự việc cho Công an. Nhờ vậy, đã ngăn chặn được một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 500 triệu đồng.

Trước đó, chiều 22/8, ông N.V.Đ trú tại xã Hà Vinh, huyện Hà Trung (Thanh Hoá) đến phòng giao dịch Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn), chi nhánh Vietinbank Bắc Thanh Hóa đề nghị rút 545 triệu đồng để chuyển cho con rể. Ông nói con rể đang có việc rất gấp nên yêu cầu nhân viên ngân hàng làm thủ tục thật nhanh.

Quan sát thái độ của khách hàng không bình thường, có biểu hiện lạ như giọng nói lắp bắp, mất bình tĩnh, vội vàng, sốt ruột, liên tục nghe điện thoại, nhân viên giao dịch Mai Thị Yến đã tìm cách trì hoãn, hỏi kỹ lý do chuyển tiền, tên con cái trong gia đình. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn thúc giục, nhất quyết đòi ngân hàng phải nhanh chóng chuyển tiền gấp.

 “Con rể ảo” đe dọa bố vợ chuyển gần 500 triệu đồng -0
Nhờ sự cảnh giác của nhân viên ngân hàng mà ông N.V.Đ đã không mất hơn 500 triệu đồng.

Chị Yến cho biết, thông thường khi khách hàng, nhất là những người ở khu vực nông thôn, người cao tuổi đến rút tiền với số lượng lớn, nhân viên bao giờ cũng hỏi lý do thật kỹ để phòng ngừa bị lừa đảo. Trường hợp ông Đ gửi 545 triệu kỳ hạn 1 năm nhưng mới được 7 tháng đã xin rút. Chị Yến giải thích cho khách, nếu rút toàn bộ số tiền sẽ mất lãi khoảng hơn 6 triệu đồng nhưng ông không nghe.

“Có vẻ như bọn lừa đảo đã lên kịch bản cho ông N.V.Đ là không được nghe theo tư vấn của nhân viên ngân hàng nên tôi hỏi gì bác cũng không trả lời. Đến hỏi tên con cái bác cũng không nói, mượn điện thoại để kiểm tra cũng không đưa. Đồng thời liên tục yêu cầu ngân hàng phải chuyển tiền thật nhanh”, chị Yến kể.

Trì hoãn không thành, chị Yến đã phải làm thủ tục rút sổ tiết kiệm cho ông Đ. Cảm thấy vẫn chưa yên tâm và nghi ngờ khách hàng bị lừa đảo, sau khi giải quyết xong thủ tục, chị tiếp tục đề nghị ông Đ đưa điện thoại để kiểm tra số tài khoản lần cuối. Phát hiện thấy tên người nhận tiền là “QUACH LOC PHAT TAI” cùng thái độ mất bình tĩnh của người chuyển tiền, chị Yến đã báo cáo lãnh đạo phụ trách phòng giao dịch thông báo đến cơ quan Công an.

“Khi tôi dùng số điện thoại của bác Đ gọi cho đối tượng yêu cầu bác chuyển tiền, đối tượng giả giọng miền Bắc, vẫn xưng là con rể. Đối tượng gọi cho bác Đ gần 20 cuộc, trong đó có những cuộc thời gian gọi lên đến 1 giờ đồng hồ. Ngay sau đó, tôi tra danh bạ gọi cho con trai bác. Anh cho hay, bố mình không có con rể và cũng không có việc gì cần phải chuyển tiền nhiều như thế. Tôi lập tức tắt nguồn điện thoại của bác để đối tượng lừa đảo không thể gọi điện đến được”, chị Yến chia sẻ thêm.

Được sự động viên của nhân viên ngân hàng và cán bộ Công an, ông N.V.Đ sau đó đã bình tĩnh kể lại sự việc. Theo đó, liên tục trong đêm 21 và ngày 22/8, ông bị một đối tượng tự xưng là cán bộ ở một cơ quan bảo vệ pháp luật nói ông đang liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy. Nếu không chuyển hết số tiền tiết kiệm vào số tài khoản của chúng, con cái sẽ bị bắt cóc. Nếu tắt điện thoại, tội sẽ to thêm… Ông Đ nói, bản thân lo lắng, mất ăn mất ngủ suốt cả đêm, không dám nói với ai, kể cả với con cái.

Qua sự việc trên, thêm một lần cảnh báo mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không thực hiện các giao dịch chuyển tiền khi bị các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ dụ dỗ, đe dọa.

Trần Thắng
.
.
.