Ngày thứ 4 xử vụ Tàng Keangnam: VKS đề nghị giữ nguyên 7 án tử hình
Theo quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo, hành vi phạm tội của các bị cáo là đồng bọn của Tàng Keangnam chỉ là thực hiện theo chỉ đạo của Tàng Keangnam nên cần được xem xét để giảm nhẹ hình phạt và không đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung. Một số bị cáo được luật sư bào chữa đề nghị tuyên không phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có Giàng Thị Sua (vợ Tàng Keangnam).
Tranh luận với luật sư về quan điểm kết tội các bị cáo, đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã bác bỏ quan điểm bào chữa của luật sư đối với các bị cáo.
Theo quan điểm của đại diện VKS, hành vi phạm tội của “trùm” ma túy Tàng Keangnam và đồng bọn là rất nguy hiểm. Hành vi này đã diễn ra trong thời gian dài, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX giữ nguyên án tử hình với Tàng Keangnam và một số đồng phạm. |
Quá trình thẩm vấn, dù chỉ có bị cáo Tàng Keangnam và bị cáo Thảo thành khẩn khai báo, còn lại các bị cáo khác đều khai báo quanh co, tìm cách chối tội. Điều đó được thể hiện rõ từ lời khai của các bị cáo trong bản cung tại cơ quan điều tra.
“Các bản cung đều được các bị bị cáo ký xác nhận là khai báo thành khẩn, không bị ép cung, nhiều bản cung còn được luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo xác nhận”, đại diện VKS trình bày quan điểm trong phần tranh luận.
Theo đại diện VKS, mặc các bị cáo không thành khẩn nhận tội, tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã có đủ căn cứ xác định, trong thời gian từ năm 2009 đến 26-7-2013, Tàng Keangnam cùng đồng bọn đã mua bán trái phép 1.791 bánh heroin và 553 viên ma túy tổng hợp có trọng lượng 51,5 gam.
Trong vụ án này, Tàng Keangnam giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp điều hành việc mua bán trái phép chất ma túy trong đường dây. Các bị cáo đồng phạm với Tàng Keangnam đã tổ chức, hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào qua Sơn La về Bắc Giang tiêu thụ.
Ngày xét xử thứ tư, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm: Phản cung của các bị cáo tại Tòa không có căn cứ chấp thuận. |
“Các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Nhưng tại phiên xử, nhiều bị cáo cố tình khai báo thiếu thành khẩn, thậm chí có bị cáo còn phản cung, nhưng bản chất sự phản cung của các bị cáo chỉ để chối tội nên không có căn cứ chấp thuận”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Sau khi phân tích, đánh giá về vai trò đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo chủ mưu Tàng Keangnam và đồng bọn trong vụ án này, đại diện VKS đề nghị HĐXX giữ nguyên đề nghị của VKS đối với mức án dành cho các bị cáo.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ ba (10-12), VKS đề nghị bảy án tử hình, trong đó có Tàng Keangnam, hình phạt bổ sung từ 400-500 triệu đồng, truy thu số tiền hơn 608.000USD sung công quỹ nhà nước. Phương tiện giao dịch ma túy cũng được đề nghị sung công quỹ. Một số tang vật không liên quan đến hành vi phạm tội được đề nghị trả lại cho bị cáo nhưng kê biên để đảm bảo thi hành án.
Bị cáo Lương Thị Thảo cũng bị đề nghị mức án tử hình, hình phạt bổ sung 400-500 triệu đồng, số tiền thu lợi bất chính hơn 200.000 USD cũng được đề nghị sung công quỹ nhà nước.
Các bị cáo khác cũng bị đề nghị mức án tử hình là: Tráng A Nếnh (em nuôi của Tàng Keangnam); Giàng A Chờ (anh vợ Tàng Keangnam)… Ngoài ra, một số bị cáo khác bị đề nghị mức án chung thân là: Vũ Văn Lâm, Tráng A Mùa, Sùng A Lánh, Giàng Thị Sua (vợ Tàng Keangnam), Tráng A Chư (bố đẻ của Tàng Keangnam)… Các bị cáo phải chịu hình phạt bổ sung từ 50 triệu đồng đến 350 triệu đồng. Số tiền thu lợi bất chính bị đề nghị truy thu để sung công quỹ.