Tuyên án vụ cố ý làm trái quy định Nhà nước tại Công ty CP lương thực Hậu Giang

Thứ Hai, 25/03/2019, 17:33
Ngày 25-3, sau hơn một tháng đưa vụ án xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên án 6 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Cổ phần lương thực(CPLT) Hậu Giang gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Võ Trường Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty CPLT Hậu Giang) 17 năm tù giam về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh trên, bị cáo Võ Thị Thu Hà (Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu – Thương mại Võ Thị Thu Hà) và Trần Xuân Mãi (cựu Kế toán trưởng Công ty CPLT Hậu Giang) bị tuyên cùng mức án 7 năm tù. 

Đối với 2 bị cáo Đặng Hoàng Việt (cựu Phó tổng Giám đốc Công ty CPLT Hậu Giang) và Lê Trần Quang Thái (cựu Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty CPLT Hậu Giang) bị tuyên cùng mức án phạt 5 năm tù. Còn bị cáo Huỳnh Văn Thông (cựu Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CPLT Hậu Giang) bị tòa tuyên phạt 3 năm tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại Tòa.

Theo cáo trạng, trong quá trình kinh doanh, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn các quy định về mua bán hàng hóa ứng trước tiền hàng, Hùng đã ký 14 hợp đồng mua gạo của Võ Thị Thu Hà không thông qua HĐQT gây thiệt hại cho Công ty CPLT Hậu Giang số tiền trên 32 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hùng còn cấu kết với Hà lập khống các hợp đồng mua, bán gạo, ký các chứng từ thanh toán, quyết toán không đúng quy định và chỉ đạo các bị cáo Việt, Mãi, Thái thực hiện các hành vi ký hợp đồng và lập các chứng từ không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho Công ty CPLT Hậu Giang số tiền trên 172 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Thông có vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty CPLT Hậu Giang, đại diện 23,28% cổ phần góp vốn của Tổng Công ty lương thực Miền Nam, có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT, giám sát Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty, chịu trách nhiệm quản lí, sử dụng hiệu quả góp vốn của Công ty lương thực Miền Nam ở Công ty lương thực Hậu Giang. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thông không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ khi không yêu cầu báo cáo định kỳ tình hình kinh doanh của công ty, không kiểm tra giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán gạo của Hùng dẫn đến không phát hiện, ngăn chặn được hành vi trái pháp luật, đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty CPLT Hậu Giang, làm thất thoát phần góp vốn của Tổng Công ty lương thực Miền Nam.

HĐXX nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của Công ty CPLT Hậu Giang, dẫn đến công ty mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, lâm vào tình trạng phá sản. 

Đối với hành vi gây thất thoát trên 172 tỷ đồng, thì đến thời điểm hiện tại chỉ có căn cứ xác định số tiền các bị cáo gây thất thoát là trên 129 tỷ đồng. Vì vậy, về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Hùng bồi thường cho Công ty CPLT Hậu Giang 14 tỷ đồng; các bị cáo Hà, Mãi, Thái, Việt liên đới cùng với Hùng bồi thường số tiền hơn 129 tỷ đồng.


Trần Lĩnh
.
.
.