Triệt phá nhóm đối tượng cho vay nặng lãi
- Nhóm giang hồ chuyên cho vay nặng lãi khét tiếng sa lưới
- Tạm giam 7 đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất lên tới 40%/tháng
Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Song đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với các đối tượng để điều tra, làm rõ về hành vi của các đối tượng, tiếp tục mở rộng vụ án, tổ chức xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan
Trước đó, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh, ngày 28-1, Công an huyện Đắk Song phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá nhóm đối tượng cho vay lãi nặng, bắt giữ Nông Hồng Điệp và Đinh Cao Thế (cùng 20 tuổi, trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Quá trình điều tra, cơ quan Công an thu giữ rất nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng...
Theo điều tra ban đầu, vào khoảng tháng 4-2018, Điệp và Thế được Chu Xuân Hiệu (hiện đang bỏ trốn) rủ lên huyện Đắk Song thuê nhà để tổ chức cho vay lãi nặng. Sau đó các đối tượng đi phát, dán tờ rơi quảng cáo, khi có người liên hệ vay tiền thì các đối tượng tiếp cận đến tận nhà để xác minh về nhân thân, hoàn cảnh kinh tế của người cần vay.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu người vay tiền mang theo CMND hoặc sổ hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác đến các đối tượng cho vay với lãi suất từ 5.000 đến 15.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày (tương đương khoảng từ 15%/1 tháng, 180%/1 năm đến 45%/1 tháng, 549%/1 năm). Nếu quá hạn, các đối tượng có thể phạt tùy ý nhằm ép người vay phải trả tiền sớm, có trường hợp phạt lãi suất lên đến 26.000đ/1 triệu/1 ngày (tức 78%/1 tháng, 936%/1 năm).
2 đối tượng Nông Hồng Điệp và Đinh Cao Thế tại cơ quan Công an. |
Theo Thiếu tá Hoàng Văn Thanh, Phó trưởng Công an huyện Đắk Song, phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhóm đối tượng này cũng là đi phát, dán tờ rơi quảng cáo để người dân biết, liên hệ vay tiền. Tuy nhiên, sau khi lực lượng chức năng ra quân trấn áp mạnh với loại tội phạm này, để tránh sự phát hiện, các đối tượng chỉ cho vay đối với những người quen (là những người có người vay trước đó giới thiệu, bảo lãnh).
Sau đó, các đối tượng đi xác minh rồi mới làm thủ tục cho vay. Các đối tượng yêu cầu người vay mang theo CMND hoặc hộ khẩu hoặc các loại giấy tờ tùy thân khác đến rồi viết giấy vay tiền nhưng không ghi hình thức, mức độ vay lãi, mức độ trả lãi và hình thức trả lãi thì các đối tượng thỏa thuận miệng với người vay...
Lãnh đạo Công an huyện Đắk Song cho biết thêm, thời gian qua, tình hình, hoạt động của các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đắk Song nói riêng có những diễn biến khá phức tạp với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
“Do đó để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh việc chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác trong các hoạt động tín dụng, vay, mượn tiền, đồng thời tích cực tham gia phối hợp cùng lực lượng Công an trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương. Khi thấy đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động của loại tội phạm này cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất”, Thiếu tá Hoàng Văn Thanh nói.