Tội phạm liên quan "tín dụng đen" tại Tây Nam Bộ vẫn… “nóng”

Thứ Hai, 26/04/2021, 09:24
Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, đấu tranh hiệu quả với tội phạm cho vay “tín dụng đen”. Sau thời gian co cụm, gần đây một số đối tượng tiếp tục rải tờ rơi cho vay tiền, hoạt động tín dụng đen đã bị cơ quan Công an phát hiện bắt giữ.


Rạng sáng 11/4 vừa qua, Công an xã Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) phát hiện  Nguyễn Văn Hận (27 tuổi, ngụ huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) và Trần Tuấn Đạt (24 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) điều khiển xe máy đang rải tờ rơi cho vay trả góp. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc được cơ quan Công an phát hiện, lập hồ sơ xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng đen trên địa bàn các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. 

Trung tá Nguyễn Thành Hương, Đội trưởng đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều nhóm đối tượng, lợi dụng đêm khuya rải tờ rơi quảng cáo cho vay tiền. 

2 đối tượng bị Công an TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) lập biên bản khi rải tờ rơi cho vay tiền.

Các nhóm này thường đi hai người, chạy xe máy rải tờ rơi trên các tuyến phố vào khoảng 2-3h sáng. Công an TP Sa Đéc đã lập hồ sơ, đề nghị xử phạt hành chính Lê Việt Thao (22 tuổi) và Trần Huy Bình (29 tuổi, cùng ngụ TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) khi điều khiển xe máy rải nhiều tờ rơi quảng cáo với nội dung cho vay trả góp tại khu vực chợ Cá và trên đường Nguyễn Huệ. 

Qua hình ảnh trích xuất từ camera, cơ quan Công an phát hiện Thao và Bình tại quán cà phê ở TP Sa Đéc nên kiểm tra, thu giữ bình xịt hơi cay và 59 tờ rơi có nội dung quảng cáo cho vay trả góp. Cùng về hành vi nêu trên, Công an TP Sa Đéc đã lập hồ sơ xử phạt Nguyễn Trung Đức (25 tuổi, ngụ TP Hải Phòng). Trưa 5/4, lực lượng tuần tra phát hiện Đức đang có hành vi rải tờ rơi cho vay tiền tại phường 2. Lực lượng chức năng đã thu giữ 40 tờ rơi và một số đồ vật khác có liên quan.

Theo cơ quan Công an, các đối tượng rải tờ rơi với nội dung “cho vay nhanh, không cần thế chấp”, lãi suất do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên qua khảo sát mức lãi suất bình quân rất cao từ 7% đến 210%/tháng. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, các đối tượng cho người khác tiếp tục đến cho vay để người vay lấy số tiền này trả cho số tiền đã vay trước đó. Từ đó số tiền nợ tăng dần, lãi chồng lãi, người vay mất khả năng trả nợ thì bị đe dọa, thậm chí cưỡng đoạt tài sản.

Ngoài việc rải tờ rơi cho vay tiền, nhiều nơi cũng xuất hiện các dịch vụ trá hình, núp bóng các công ty tư vấn đầu tư, công ty tài chính, dịch vụ cầm đồ, xe máy, ôtô, thậm chí cho vay nhanh qua giấy tờ xe… Khi có người đến vay tiền, các đối tượng lập hai bản hợp đồng cầm cố tài sản và hợp đồng giữ hộ hoặc hợp đồng thuê lại chính phương tiện của người vay, sau đó họ phải trả góp với lãi suất 20% đến 30%/tháng. “Loại hình cho vay “tín dụng đen” là trái với quy định của pháp luật. 

Người dân mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Khi phát hiện đối tượng cho vay hoặc rải tờ rơi, người dân cần ghi hình, phương tiện đối tượng, nhanh chóng báo đến Công an nơi gần nhất để ngăn chặn, xử lý”, Thượng tá Võ Thành Long, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đồng Tháp khuyến cáo.

Tại Tiền Giang, cơ quan Công an đã tập trung lực lượng điều tra, khám phá và bóc gỡ hàng loạt băng nhóm hoạt động tội phạm nguy hiểm liên quan đến tín dụng đen. Ngô Thị Kim Cương (58 tuổi), Trần Minh Sơn (64 tuổi, chồng Cương), Nguyễn Đức Thành (35 tuổi), Nguyễn Phương Tâm (33 tuổi), Lê Khắc Vũ (28 tuổi), Phan Lê Nhật Hoàng (30 tuổi), Nguyễn Quốc Khánh (37 tuổi), Trần Thanh Hải (45 tuổi), Phạm Hoài Đức (25 tuổi), Lưu Toàn Trọng (31 tuổi), Mai Thanh Hùng (24 tuổi) và Trương Minh Tâm (31 tuổi, tất cả điều ngụ huyện Gò Công Tây) bị bắt giữ để điều tra. 

Đây là vụ án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do nhiều đối tượng thực hiện với nhiều tội danh khác nhau. Các đối tượng hoạt động trong thời gian dài, ngang nhiên vi phạm pháp luật như: hoạt động băng nhóm, bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… 

Quá trình khám xét 21 địa điểm liên quan đến hoạt động của đường dây này, cơ quan Công an còn thu giữ 4 khẩu súng gần 60 viên đạn các loại, các gói nylon chứa chất bột màu trắng nghi ma túy cùng một số hung khí tự chế. Vợ chồng Cương hoạt động cho vay lãi nặng tại khu vực Gò Công. Thành cùng đám đàn em giúp đắc lực cho đôi vợ chồng này. Những người đã trót vay nhưng không có tiền trả sẽ bị Thành hoặc đàn em đến đe dọa, đánh đập. 

Tại Trà Vinh, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an toàn tỉnh bố trí lực lượng tăng cường công tác rà soát, theo dõi nắm chặt tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi theo dạng lưu động, nhất là các đối tượng trong quá trình thu lãi thường sử dụng các thủ đoạn uy hiếp con nợ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian qua, cơ quan Công an đã phối hợp, tổ chức tuyên truyền vận động người dân khoảng 10.000 cuộc, với khoảng 600.000 lượt người dự, đồng thời cấp phát hơn 126.000 tờ rơi, thư ngỏ, tờ gấp liên quan đến phòng, chống tín dụng đen… 

“Qua công tác điều tra, cơ quan Công an đã bắt giữ nhóm đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi từ Nghệ An đến Trà Vinh hoạt động. Cơ quan điều tra đã củng cố hồ sơ khởi tố vụ án, bắt giữ những người liên quan”, Đại tá Phan Thanh Quân - Phó giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh thông tin. Đây cũng là lần đầu tiên, Công an tỉnh Trà Vinh khởi tố vụ án liên quan đến các đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, khẳng định việc đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này.

Văn Vĩnh - Ngọc Hân
.
.
.