Quyết liệt đấu tranh với tội phạm cho vay lãi nặng, tín dụng đen
- Đang kiểm tra hành chính, đối tượng cho vay nặng lãi bỏ đi
- Khởi tố bà chủ nhà nghỉ cho vay nặng lãi
- Đấu tranh mạnh với tội phạm cho vay nặng lãi
- Nhiều nhóm cho vay nặng lãi bị triệt phá
Qua công tác nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Ninh Bình điều tra, làm rõ, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thơm, sinh năm 1988, trú ở xã Đồng Phong, huyện Nho Quan về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Nguyễn Thị Thơm khai: Từ tháng 10-2018 đến nay đã cho 14 người vay lãi nặng với số tiền trên 2 tỷ đồng, thu lời bất chính trên 77 triệu đồng. lực lượng Công an đã thu giữ 14 xe máy, 12 đăng ký xe máy, 1 điện thoại di động, tiền và nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc cho vay lãi nặng.
Công an huyện Yên Khánh đã phát hiện nổi lên đối tượng Nguyễn Văn Bẩy, sinh năm 1971 và vợ là Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1968, cùng trú tại xóm Chợ Xanh, xã Khánh Thiện, có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
11 đối tượng trong ổ nhóm cho vay lãi nặng. |
Bằng việc sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 28-5-2019, Công an huyện Yên Khánh đã phá chuyên án bắt quả tang vợ chồng đối tượng Nguyễn Văn Bẩy khi đang nhận số tiền 50 triệu đồng tiền lãi từ bà Nguyễn Thị Quy, trú tại xóm 10, xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh.
Các đối tượng khai đã cho bà Quy vay số tiền 260.000.000 đồng từ ngày 29-1-2019 với lãi suất là 4.000 đồng/ triệu/ ngày. sau 4 tháng, tổng số tiền theo như giấy vay nợ mà bà Quy phải trả là 410.000.000 đồng, tăng thêm 150.000.000 đồng so với số tiền ban đầu bà Quy đã vay.
Theo Công an tỉnh Ninh Bình, hoạt động của các loại tội phạm này vẫn còn tiềm ẩn những vấn đề hết sức phức tạp, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động để nhân dân hiểu, chủ động đề cao cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm. Lực lượng Công an cần tích cực rà soát, đánh giá phân loại các đối tượng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính hoạt động trái phép để có biện pháp đấu tranh, không để hoạt động này trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.
l Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang điều tra khám phá hàng chục vụ án “tín dụng đen”. Trong số đó, đáng chú ý là vụ án do Triệu Đình Hoan, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Hải Linh cầm đầu và 10 đồng phạm do Hoan chỉ đạo bị khởi tố về tội "Cho vay lãi nặng" theo qui định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự.
Quá trình tố tụng vụ án cho thấy, cuối năm 2010, Triệu Đình Hoan mở Công ty Hải Linh và núp bóng doanh nghiệp này để cho vay lãi nặng. Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp vay để đáo nợ ngân hàng và khách hàng cá nhân vay tiền với tỷ lệ lãi suất từ 2.000đ đến 5.000đ/triệu/ngày.
Khách hàng chỉ cần ghi thông tin cá nhân trong giấy tờ do Hoan soạn sẵn, nhưng không ghi tiền lãi suất trên giấy và thống nhất cứ 10 ngày phải đóng lãi một lần; nếu không trả đúng kỳ hạn thì Hoan sẽ cộng số tiền lãi vào tiền gốc và tiếp tục tính lãi của số tiền gốc để yêu cầu khách phải trả... Trong số các khách hàng của Hoan có người vay 70 tỷ đồng từ năm 2017.
Đến tháng 10-2018 đã trả 60 tỷ đồng tiền lãi. Tháng 11-2018, nạn nhân không còn khả năng trả lãi cho Hoan nữa nên số tiền nợ đến khi vụ việc vỡ lở đã lên tới gần 138 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 1 năm, số tiền cả gốc lẫn lãi nạn nhân phải trả đã gấp gần 2 lần so với tiền gốc, đó là chưa kể chị này đã trả 60 tỷ đồng tiền lãi, chỉ còn thiếu 10 tỷ đồng là đủ tiền số tiền gốc vay!
Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội bước đầu xác định có 7 người đang nợ tiền của Hoan, với số tiền nợ rất lớn. Đồng thời xác minh 6 doanh nghiệp tư nhân vay tiền của Hoan để đáo nợ, hiện còn nợ Hoan hàng trăm tỷ đồng. Được biết, để có tiền cho vay, Hoan đã huy động từ một số cá nhân, với số vốn lên tới hơn 960 tỷ đồng và huy động thêm cả trăm tỷ đồng để cho vay. Số lãi suất huy động từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày. Nhưng Hoan cho người vay với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày, hưởng chênh lệch hơn gấp đôi so với lãi suất huy động.
Đây là ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp và có sự câu kết chặt chẽ với nhau tạo thành một đường dây khép kín hoạt động hoành hành với qui mô lớn, lãi suất cao, giá trị lên tới hơn một nghìn tỷ đồng, gây nhức nhối trong dư luận xã hội.
Hành vi nêu trên đã phạm vào Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “cho vay lãi nặng”, quy định:
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.