Diễn biến phiên xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh

Thứ Tư, 25/07/2018, 09:11
TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị cáo khác. HĐXX tiếp tục triệu tập 7 ngân hàng, hàng chục công ty và gần 200 cá nhân tham gia với tư cách là người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Ngày 24-7, sau nửa năm trả hồ sơ điều tra bổ sung, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) cùng 44 bị cáo khác bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". HĐXX tiếp tục triệu tập 7 ngân hàng, hàng chục công ty và gần 200 cá nhân tham gia với tư cách là người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng.

Tuy nhiên, trong ngày khai mạc đó đến 109 người vắng mặt, trong đó có nhiều nhân vật “cộm cán” như ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bị án Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín), Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), lãnh đạo TpBank...

Các bị cáo tại phiên toà khai mạc.

Trong số này, ông Trần Bắc Hà được xác định vừa mới mổ gan và đang điều trị bệnh tại Singapore. Ông Hà xin giữ nguyên lời khai trước đó tại cơ quan điều tra. Ngoài ra, 8 thành viên thuộc Đoàn giám định tư pháp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng được triệu tập nhưng chỉ có 3 người có mặt.

Trước đó, tháng 1-2018, khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1, HĐXX cũng đã triệu tập nguyên lãnh đạo BIDV gồm các ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (nguyên Phó TGĐ BIDV) với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng. Tuy nhiên, suốt phiên xử, ông Hà xin vắng mặt vì đã nhập viện điều trị bệnh tại Singapore và được HĐXX chấp nhận.

Liên quan đến 3 lãnh đạo BIDV, cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng; cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong quá trình công tác tại BIDV, cả 3 ông này đã có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, sau khi được NHNN chấp nhận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên là VNCB), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối ngân hàng trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN.

Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng, lợi dụng là người nắm quyền chi phối ngân hàng, Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, Tiên Phong (TpBank), BIDV.

Sau đó, Danh dùng tiền gửi của VNCB tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay, gây thiệt hại cho VNCB trên 6.126 tỷ đồng. Liên đới chịu trách nhiệm trong việc gây thất thoát cho VNCB, cáo trạng xác định hai cựu lãnh đạo Sacombank Trầm Bê và Phan Huy Khang đã trực tiếp gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 1, sau hơn 1 tháng làm việc, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, đề nghị Viện KSND tối cao làm rõ 8 vấn đề. Một trong những vấn đề quan trọng toà án yêu cầu điều tra bổ sung là lời khai của bị cáo Trầm Bê, Phan Huy Khang cho rằng việc bị cáo cho vay cũng như các lãnh đạo ngân hàng TpBank, BIDV nhưng chỉ có các bị cáo bị truy tố.

Kết quả điều tra bổ sung khẳng định, Trầm Bê, Phan Huy Khang có hành vi gặp trực tiếp, bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng nhưng yêu cầu Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho khoản vay, sau đó chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc cho vay.

Khi thực hiện cho vay, các bị cáo biết rõ Danh là chủ tịch VNCB, là đối tượng không được phép dùng tiền của VNCB để tổ chức tín dụng khác cấp tín dụng cho mình theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.

Vì vậy, Trầm Bê, Phan Huy Khang phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình đối với hậu quả thiệt hại đã xảy ra. Đối với các cá nhân là lãnh đạo Ngân hàng TpBank, chưa đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội nên CQĐT không khởi tố.

Đối với cá nhân là lãnh đạo Ngân hàng BIDV, CQĐT xác định các đối tượng này có hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay nhưng chưa đủ xác định hành vi đồng phạm với Danh. Do đó, VKS đề nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng này tại phiên toà, nếu có đủ cơ sở thì xử lý theo quy định pháp luật.


A.Huy
.
.
.