Nhiều nạn nhân mới mắc bẫy tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Thứ Hai, 01/06/2020, 08:54
Thời gian qua, các đối tượng chủ yếu là người nước ngoài đã sử dụng nhiều thủ đoạn công nghệ cao để lừa đảo, khiến nhiều người “mắc bẫy”. Nhiều ít nhất mất vài trăm triệu đồng, nhưng không ít người “bay” hàng chục tỷ đồng.


Trước tình trạng trên, cơ quan Công an đã nhiều lần cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo để người dân cảnh giác. Tuy nhiên, với những biến hóa liên tục và các thủ đoạn càng lúc càng tinh vi, danh sách nạn nhân càng lúc càng dài thêm...

Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ quận 4) cho biết, sáng 22-5 chị nhận được một cuộc điện thoại gọi đến có đầu số +60. Đầu dây bên kia giọng nữ, cho biết: “Bưu chính viễn thông thông báo khách hàng có 1 bưu phẩm chưa nhận, để biết bấm phím 9”. Chị Ngọc liền bấm phím 9 theo như hướng dẫn, đầu dây bên kia một giọng nữ, xưng là nhân viên bưu điện hỏi chị Ngọc cần hỗ trợ gì? Sau đó, chị Ngọc được nhân viên này yêu cầu cung cấp họ tên, năm sinh, số CMND, để được hỗ trợ giúp.

“Sau khi kiểm tra các thông tin như chị cung cấp trên hệ thống, chúng tôi thấy có 1 bưu phẩm gửi cho chị đã 2 lần rồi nhưng không có người nhận, lần thứ nhất là ngày 7-5 và lần thứ hai là ngày 12-5. Chị giữ máy để chúng tôi nối máy nhờ bộ phận kho kiểm tra xem bưu phẩm này có phát được lần nữa không nhé?”, giọng nữ “nhân viên bưu điện” thỏ thẻ.

Sau đó, chị Ngọc nghe giọng một người nam xưng nhân viên kho tên Tuấn. Người này thông báo bưu phẩm của chị đã hết hạn phát nhưng kèm theo đó là thư mời của TAND TP Đà Nẵng mời chị Ngọc ngày 22/5 đến làm việc. Lý do, chị Ngọc có liên quan đến số ngoại tệ trái phép được gói trong bưu phẩm, người gửi là đối tượng trong đường dây ma túy cơ quan Công an đang điều tra.

Theo hướng dẫn của Tuấn, chị Ngọc nói chuyện với cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án ma túy. “Cán bộ” này yêu cầu chị Ngọc chuyển tất cả số tiền hiện có vào tài khoản theo chỉ định để xác minh nguồn tiền, nếu đúng là tiền sạch thì sẽ trả lại trong vòng 24 giờ.

Rất nhiều thẻ ATM được dùng để rút tiền lừa đảo đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ.

“Sau khi cúp máy, trấn tĩnh một hồi tôi mới giật mình vì trước đó cũng từng nghe, đọc, nhiều vụ lừa tương tự như vậy. Tôi chia sẻ chuyện này với một người bạn thì anh ấy nói cách đây vài ngày anh cũng bị lừa y chang như vậy. Nhưng khác với tôi là anh cho số CMND giả nhưng trên hệ thống vẫn có bưu phẩm của anh và sau đó là thư mời của TAND TP Đà Nẵng... Vì vậy anh khẳng định 100% là đã bị lừa”, chị Ngọc nói.

Ngày 29/5, Cơ quan CSĐT  Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đang điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố giác của ông Lâm Tăng Nghiệp (SN 1957, ngụ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Quá trình điều tra ban đầu xác định, ông Nghiệp có nhận một cuộc điện thoại gọi đến thông báo ông có một kiện hàng, trong đó có một thẻ ngân hàng mang tên ông được gửi ra nước ngoài.

Đối tượng gọi điện thoại cho biết hành vi này có liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Người gọi điện tự xưng tên Tuấn, là trực ban của Công an TP Đà Nẵng, sau đó chuyển máy cho một đối tượng nữ xưng tên Hằng là thủ trưởng cơ quan điều tra.

Đối tượng Hằng yêu cầu ông Nghiệp phải nộp hết tiền vào tài khoản số 1372394001 mang tên Nguyễn Thị Vĩnh, mở tại ngân hàng để kiểm tra, giám định, nếu là tiền sạch thì sẽ chuyển trả lại ngay cho ông Nghiệp sau đó.

Tin lời, ông Nghiệp đến ngân hàng nộp hơn 1,2 tỷ đồng vào tài khoản nói trên. Sau đó, đối tượng Hằng tiếp tục yêu cầu ông Nghiệp chuyển tiền tiếp, nhưng ông Nghiệp được nhân viên ngân hàng cảnh báo về hành vi lừa đảo với thủ đoạn tương tự, nên ông Nghiệp đã đến cơ quan Công an trình báo.

Qua xác minh tài khoản số 1372394001 mang tên Nguyễn Thị Vĩnh, được biết bà Vĩnh (SN 1948, HKTT tại Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Tại cơ quan điều tra, bà Vĩnh khai, khoảng tháng 1-2019 nghe lời giới thiệu của con gái mình là Hoàng Thị Lệ Thanh (SN 1976, ngụ tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là đi làm thẻ ATM tại các ngân hàng đứng tên mình thì sẽ được trả một khoản tiền.

Lúc đó, do đang cần tiền nên bà Vĩnh đồng ý. Bà Vĩnh được bà Thanh dẫn đi làm thẻ tại các ngân hàng, khi làm thẻ xong thì giao cho Thanh đi bán với giá 1,5 triệu đồng/thẻ. Sau khi giao cho bà Thanh bán thẻ, bà Vĩnh không biết ai sử dụng thẻ đứng trên mình và sử dụng vào mục đích gì.

Khai nhận với cơ quan điều tra, bà Hoàng Thị Lệ Thanh cho biết, khoảng đầu tháng 12/2018, con của bà Thanh là Hoàng Anh Tú (SN 2000) nói bà Thanh mở tài khoản để bán cho một đối tượng khác (không rõ nhân thân lai lịch) giá 1,5 triệu đồng/thẻ nhưng không nói mục đích sử dụng tài khoản để làm gì. Sau đó bà Thanh rủ bà Vĩnh và một số người nữa mở các tài khoản ngân hàng để bán.

Thực tế có rất nhiều người “sập bẫy” mất từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng sau khi nghe những cuộc điện thoại có đầu số lạ, giả danh cơ quan Công an, Viện KSND, Toà án, bưu điện, Hải quan... Các nhóm tội phạm này đánh vào tâm lý của người kém hiểu biết, doạ là họ có liên quan đến đường dây tội phạm hoặc các vụ án hình sự khác. Chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các  tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra.

Khi các nạn nhân cố chứng minh không liên quan đến hoạt động tội phạm, sẽ thực hiện theo hướng dẫn và khi tiền vừa chuyển đến thì chúng nhanh chóng rút, hoặc chuyển tới các ngân hàng trong và ngoài nước. Vì vậy, để tránh bị lừa, theo khuyến cáo của Công an TP Hồ Chí Minh, những trường hợp đầu số lạ gọi đến thông báo có hộp quà, nợ cước điện thoại, nợ tiền ngân hàng... thì người dân tuyệt đối không nên tin.

Còn trường hợp người xưng là cán bộ các cơ quan công quyền như: Công an, Viện KSND hay Toà án gọi đến để điều tra, xác minh thì đó chính là lừa đảo, bởi những hoạt động trên cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập đến địa chỉ của người liên quan, chứ không làm việc qua điện thoại. Gặp tình huống như vậy, đề nghị người dân lập tức báo với cơ quan Công an gần nhất để phối hợp điều tra, xử lý.

Thúy Hà
.
.
.