Diễn biến ngày thứ 18 xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank

Thứ Năm, 21/09/2017, 17:10
Ngày 21-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra rại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Trong ngày xét xử thứ 18, HĐXX dành thời gian để đại diện nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề xuất quan điểm của mình.


Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự được cơ quan tố tụng xác định là Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Dương, sau khi vụ án xảy ra được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương - Oceanbank).

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lúc đầu HĐXX xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng sau đó lại xác định là nguyên đơn dân sự.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Trình bày trước toà, đại diện nguyên đơn dân dự - Oceanbank nêu quan điểm, Quyết định 663/NHNN của Ngân hàng Nhà nước và Quyết định 48/2013/CP của Chính phủ vào giữa năm 2015 đặt Oceanbank vào tình trạng 100% cổ phần bị mua bắt buộc với giá 0 đồng và chuyển sang đơn vị quản lý khác. 

Do chuyển đổi thành một ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu (gọi là “Oceanbank mới”) nên kế thừa quyền, nghĩa vụ gánh chịu thiệt hại của Oceanbank dưới thời Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm.

Phân tích thiệt hại của Oceanbank xảy ra trước đây, đại diện Oceanbank mới trình bày, đối chiếu quy định của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2011-2014 về việc lãi trần không vượt quá 14% với huy động vốn thì các khoản chi lãi suất ngoài hợp đồng mà bị cáo Thắm cùng thuộc cấp xuất ra từ các tài khoản của Oceanbank là trái quy định cả mục đích chi lẫn nghiệp vụ kế toán. 

Đại diện Oceanbank mới dẫn chứng, các bị cáo đã tạm ứng tiền từ tài khoản 3612 (chi tiêu nội bộ) để chi lãi ngoài. Trong khi theo quy định, tài khoản này chỉ được tạm ứng chi tiêu nội bộ, sau đó phải hoàn ứng bằng tiền mặt, bằng hóa đơn chứng từ. Nếu không hoàn ứng thì bị coi là "xuất kho, mất vốn".

Cáo trạng quy kết các bị cáo rút 925 tỷ đồng từ tài khoản 3612, sau khi hoàn ứng còn lại 331 tỷ đồng. Các khoản tiền dùng để hoàn ứng cho 925 tỷ được lấy từ nhiều tài khoản khác, trong đó có tài khoản 801 (tài khoản trả lãi tiền gửi). Ngoài ra, việc chi tiền từ tài khoản 801 cũng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp là sai về nghiệp vụ kế toán, theo quy định của Bộ Tài chính.

Sau khi dẫn chứng về một số nghiệp vụ kế toán, đại diện Oceanbank mới nêu quan điểm, các bị cáo phải bồi thường cho Oceanbank vì đã làm thất thoát tài sản của Oceanbank.

Đại diện nguyên đơn dân sự cho biết, do các bị cáo đã hoàn tạm ứng 128 tỷ đồng và 17 tỷ đồng tiền mặt cho Oceanbank trước khi bị khởi tố nên nguyên đơn không yêu cầu bồi thường khoản này. Phần tiền bị thất thoát được tính toán lại còn hơn 1.400 tỷ. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tách hai khoản tiền 49 tỷ đồng và 105 tỷ đồng để xử lý trong một vụ án khác nên số tiền thất thoát giảm xuống còn 1.275 tỷ đồng.

Oceanbank mới có trách nhiệm thu hồi số tiền này để thực hiện nghĩa vụ gánh hậu quả do Oceanbank trước đây được mua lại với giá 0 đồng", đại diện nguyên đơn dân sự nhấn mạnh.

Cùng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Oceanbank mới, luật sư Nguyễn Thị Bắc nhất trí với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát khi cho rằng, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chiếm hưởng toàn bộ khoản tiền vay 500 tỷ đồng của Oceanbank và xác định trách nhiệm của bị cáo Hứa Thị Phấn phải hoàn trả cho Oceanbank mới toàn bộ số tiền này cùng lãi suất và tiền phạt theo quy định của ngân hàng.

“Trên thực tế, bị cáo Hứa Thị Phấn là người được thụ hưởng cuối cùng toàn bộ số tiền 500 tỷ đồng mà Công ty Trung Dung (Công ty của Phạm Công Danh) đã vay của Oceanbank. Vì thế bị cáo Phấn có nghĩa vụ hoàn trả cho Oceanbank khoản tiền này cùng toàn bộ tiền lãi theo hợp đồng tín dụng”, luật sư Bắc trình bày quan điểm.

Về biện pháp bảo đảm thi hành án, luật sư Bắc đề nghị HĐXX quyết định tiếp tục duy trì lệnh kê biên đối với 5 tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng từ Công ty Trung Dung.

Luật sư Nguyễn Văn Thái bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, khách quan vụ án này dựa trên hồ sơ vụ án cũng như quá trình thẩm vấn, tranh luận công khai tại tòa để xác định vai trò của từng cá nhân liên quan đã từng làm việc tại PVN, qua đó tránh sử dụng cụm từ "PVN nhận chi lãi ngoài, hay nhận chăm sóc lãi ngoài" từ cá nhân hay pháp nhân của Oceanbank, vì nếu sử dụng chung cụm từ trên sẽ ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn này.

Khi HĐXX đề nghị đại diện PVN trình bày quan điểm với tư cách “PVN là nguyên đơn dân sự trong vụ án này”, luật sư Hoàng Văn Dũng cho biết, PVN hiện đang tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nhưng nếu HĐXX cho rằng, PVN tham gia phiên toà này với tư cách là nguyên đơn dân sự thì PVN đề nghị HĐXX buộc tập thể hoặc cá nhân nào đã gây thiệt hại cho PVN phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Khác với PVN, đại diện Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) từ chối tranh luận vì cho rằng doanh nghiệp không có quyền lợi liên quan tới vụ án này. Đại diện Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro) và đại diện Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cũng không tham gia tranh luận.

Trong quá trình thẩm vấn, các cựu lãnh đạo Oceanbank khai, Vietsovpetro nhận 24,27 tỷ đồng; BSR nhận 19,36 tỷ đồng và PVEP nhận 76,78 tỷ đồng. Hai ngày sau, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố ba vụ án về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại ba đơn vị này vì nhận thấy, có dấu hiệu thỏa thuận giữa lãnh đạo ba đơn vị trên với lãnh đạo Oceanbank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt.

Được HĐXX yêu cầu phát biểu với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn) cho biết, nếu HĐXX xác định chồng bà lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì bà xin tự nguyện dùng tài sản cá nhân để hỗ trợ chồng khắc phục hậu quả tối đa theo khả năng cho phép, đồng thời mong HĐXX cho bị cáo Sơn được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.

Sau phần trình bày của vợ bị cáo Sơn, HĐXX mời người đại diện cho bà Hồ Thị Quỳnh Nga (vợ cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm) đưa ra ý kiến. Người phụ nữ này đứng lên nhưng tỏ rõ sự xúc động khi chỉ khóc mà không nói lên lời.

Một lúc sau, chị mới cất tiếng trong thổn thức “Thưa toà, suốt 2 năm qua kể từ ngày bị bắt, anh Thắm chưa được gặp con. Trong những lần nhìn anh ấy tại tòa, tôi cảm nhận sức khỏe anh ấy tốt, vẫn giữ được sự điềm đạm”. Người đại diện cho vợ bị cáo Thắm gửi lời cảm ơn đến các cán bộ Trại giam T16 Bộ Công an đã chăm sóc để bị cáo Thắm được khỏe mạnh.

Chiều 21-9, HĐXX cũng triệu tập bị can Ninh Văn Quỳnh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN từ trại giam đến phiên xử để trình bày quan điểm của mình về vụ án này. Trước khi bị khởi tố, ông Quỳnh đã tham gia tố tụng tại phiên toà này với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bị can Ninh Văn Quỳnh.

Xuất hiện tại phiên xử trong thời gian rất ngắn, bị can Quỳnh trình bày "Hôm trước tại tòa tôi đã khai, trong thời gian từ năm 2009 đến 2013, tôi đã nhận từ anh Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank số tiền 20 tỷ đồng, trong đó một số khoản sử dụng cho mục đích cá nhân. Tôi cũng đã đề nghị Cơ quan điều tra cho tôi xin sớm khắc phục số tiền ấy để hưởng khoan hồng của pháp luật", bị can Quỳnh nói.

Ngày 22-9, phiên toà tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát với các bị cáo và luật sư bào chữa.

Nguyễn Hưng
.
.
.