Ngày thứ 16 xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank:

Lãnh đạo Oceanbank bị cựu nhân viên tố can thiệp vào lời khai

Thứ Tư, 20/09/2017, 10:09
Ngày 19-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Phiên toà đang ở phần tranh luận nên các luật sư tiếp tục bào chữa cho các thân chủ của mình theo hướng có lợi liên quan đến tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình bào chữa cho cựu Giám đốc Khối kế toán và giao dịch trong nước Oceanbank Vũ Thị Thùy Dương. Bị cáo Dương cùng với nhiều Giám đốc các khối thuộc Hội sở Oceanbank bị cáo buộc đã giúp sức tích cực cho cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm trong việc chi lãi ngoài huy động vốn, triển khai, chỉ đạo cấp dưới thực hiện và trực tiếp thực hiện việc chi lãi ngoài.

Từ chỉ đạo của cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Lê Thị Thu Thủy, bị cáo Dương đã chỉ đạo nhân viên Khối Kế toán căn cứ theo bảng kê danh sách khách hàng do Khối nguồn vốn, Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Khối khách hàng cá nhân lập, ký duyệt để hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh, phòng giao dịch, chi lãi ngoài cho khách hàng với số tiền hơn 307 tỷ đồng.

Bị cáo Tứ vừa khóc, vừa thanh minh cho mình.

Trong luận cứ của mình, luật sư Bình trình bày, cáo buộc trên của Viện kiểm sát là chưa thực sự khách quan, chưa đánh giá chứng cứ một cách toàn diện nên đã đánh giá về hành vi và đề nghị mức hình phạt quá nặng, thiếu công bằng trong sự tương quan với các bị cáo khác trong Hội sở và các chi nhánh của Oceanbank.

“Bị cáo Dương chỉ là người làm công ăn lương, theo chế độ Hợp đồng lao động, không được hưởng bất kỳ khoản lợi ích nào ngoài tiền lương tháng được nhận cũng như các Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch. Khối kế toán chỉ thực hiện phản ánh các nghiệp vụ kế toán một cách đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ phát sinh và không phải là cấp trên của các chi nhánh, chỉ đạo hay điều hành các chi nhánh, phòng giao dịch. Khối Kế toán cũng không phải là khối kinh doanh, không trực tiếp làm việc với khách hàng mà chỉ hạch toán dựa trên bảng danh sách do các khối chuyển đến. Do đó Khối kế toán không thể biết tiền chi cho những khách hàng nào để tìm cách thu hồi khắc phục như các chi nhánh, phòng giao dịch”, luật sư Bình nhấn mạnh. Từ những luận cứ trên, luật sư Bình đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc khi lượng hình cho bị cáo Dương.

Thêm một tình tiết bất ngờ đã xuất hiện tại phiên xử này khi luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo và luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cung cấp tình tiết thân chủ của mình bị cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm ép buộc cho Tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT mượn tài sản để thế chấp, cầm cố tại Oceanbank. Bị cáo Hứa Thị Phấn bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo kết luận của Viện kiểm sát, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và Trần Văn Bình đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay vốn số tiền 500 tỷ đồng để Danh sử dụng số tiền vay vào việc thanh toán các khoản nợ của Hứa Thị Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín. Hứa Thị Phấn là người hưởng lợi toàn bộ số tiền vay nên bị Viện kiểm sát đề nghị phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền vay đã chiếm hưởng 500 tỷ đồng cùng với số lãi theo quy định cho Oceanbank.

Luật sư Thảo và luật sư Thơ đưa ra nhiều luận cứ liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại Oceanbank và cho rằng, bị cáo Phấn không bàn bạc, không tự nguyện cho mượn tài sản, không cùng ý chí, không cùng thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cho vay đối với khoản vay 500 tỷ đồng trên.

Trình bày trước HĐXX, luật sư Thảo cung cấp một số tình tiết liên quan và cho rằng bị cáo Thắm đã ép buộc bị cáo Phấn để thâu tóm Ngân hàng TMCP Đại Tín. Sau đó, Thắm chuyển nhượng ngân hàng này cho PhạmCông Danh.

“Bị cáo Phấn không biết việc bị cáo Danh đã thâu tóm kiểm soát Ngân hàng TMCP Đại Tín bắt đầu từ tháng 9-2012. Sau này, khi biết việc Danh tiếp quản ngân hàng, bị cáo Phấn không đồng ý vì cho rằng, Danh là người chưa có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng. Lúc đó, bị cáo Thắm mới nói với bị cáo Phấn là số cổ phần của bị cáo Phấn và các cổ đông tại Ngân hàng TMCP Đại Tín đã được Thắm chuyển giao hết cho Danh và Danh đã thế chấp cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)”, luật sư Thảo trình bày.

Từ tháng 2-2012, ngay khi ký hợp đồng chuyển giao, Thắm đã đưa người của Thắm vào quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng TMCP Đại Tín, sau này đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng, nhưng Thắm không hỗ trợ thanh khoản như lời hứa trước đó. Một thời gian sau, Thắm mới đồng ý hỗ trợ Danh số tiền 500 tỷ đồng để tăng thanh khoản cho ngân hàng bằng cách vay từ Oceanbank.

Do Danh nói không có tài sản thế chấp thì Thắm có nói Phấn còn một số tài sản có thể mượn. “Bị cáo Thắm nói với bị cáo Phấn rằng, bị cáo Danh vay của Oceanbank 500 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ điều kiện pháp lý và giá trị. Trong thời gian này, bị cáo Thắm và bị cáo Danh liên tục dọa bị cáo Phấn nếu không cho bị cáo Danh mượn tài sản thế chấp để vay tiền thì việc tái cơ cấu ngân hàng không thành và lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín sẽ bị truy tố. Lo sợ điều này, bị cáo Phấn đã cho bị cáo Danh mượn tài sản để thế chấp cho khoản vay 500 tỷ đồng của Danh tại Oceanbank”, luật sư cho biết.

Một số bị cáo khác từng là giám đốc, phó giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank không có luật sư bào chữa đã tự bào chữa cho mình. Các bị cáo này cho rằng, hành vi của họ chỉ xử lý hành chính là phù hợp vì cùng thời điểm đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng thực hiện việc chi lãi ngoài như Oceanbank nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tự bào chữa cho mình, cựu Giám đốc Oceanbank chi nhánh Sài Gòn Nguyễn Quốc Chiến trình bày, bị cáo tự nhận có vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. “Trong thời gian phiên tòa đang diễn ra, lãnh đạo Ngân hàng TNHH Một thành viên Oceanbank thông qua một ông giám đốc khối đã gọi điện cho các bị cáo yêu cầu, các bị cáo đừng trình bày nữa làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của ngân hàng” bị cáo Chiến cho biết.

Riêng cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ) trong phần tự bào chữa vừa khóc, vừa đọc gần hai trang giấy A4 kể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình “Bị cáo giúp việc cho anh Thắm mà không hiểu được, từ sự thiếu hiểu biết mà mình phạm tội. Đề nghị HĐXX không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như cáo buộc của Viện kiểm sát”, bị cáo Tứ trình bày.

Nguyễn Hưng
.
.
.