Nguyên Phó TGĐ Đường sắt VN bị đề nghị mức án đến 9 năm tù
- Đang xử vụ cố ý làm trái gây thiệt hại 11 tỷ đồng tại BQL dự án đường sắt
- "Nghi án hối lộ": Các cá nhân liên quan phải giải trình trước 31/3
- Truy tố 6 cựu quan chức đường sắt nhận 11 tỷ đồng ‘bôi trơn’
Toàn bộ số tiền này đã được các Bằng và đồng phạm chi phí cho ký kết hợp đồng, tiếp khách, hội họp, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ… để vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân. Ngoài ra, các bị cáo còn nhận “phong bì” do Bằng đưa từ 30 triệu đến 100 triệu đồng.
Khi HĐXX thẩm vấn về diễn tiến dự án đường sắt đô thị trên cao, tuyến số 01 (Yên Viên - Ngọc Hồi), bị cáo Bằng khai, sau khi được các cơ quan chức năng phê duyệt, ngày 9/9/2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật với liên danh tám nhà thầu (gọi tắt là JKT), trong đó có năm doanh nghiệp nước ngoài do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu.
Bị cáo Bằng (hàng trên, bên trái) tại phiên xử. |
Tiếp đến, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án và các tổ thẩm định chuyên ngành kỹ thuật đối với Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 01, giai đoạn 1. Khi ấy, với chức vụ là Phó Giám đốc RPMU nên Bằng được giao làm Chủ nhiệm dự án tuyến đường sắt số 01.
Khi HĐXX truy vấn về hành vi nhận tiền “bôi trơn” của mình, bị cáo Bằng loanh quanh khi cho rằng, trong quá trình thương thảo hợp đồng, phía RPMU đã lường trước rất nhiều khó khăn sẽ phải gặp như phải tổ chức các cuộc hội họp, hội thảo, lấy ý kiến… và trao đổi với các nhà thầu để họ biết.
Vì thế, đại diện JTC mong muốn hỗ trợ kinh phí cho đại diện chủ đầu tư. Bị cáo Bằng khai, do thời gian đã lâu nên không nhớ số lần, số lượng và phương thức nhận tiền của các nhà thầu, mà chỉ nhớ tổng số tiền RPMU đã nhận của JTC là khoảng 11 tỷ đồng. Trong số tiền này, Bằng nhận cầm giữ 5 tỷ đồng để chi tiêu vào những việc liên quan đến dự án.
Nhưng bị cáo Bằng biện minh rằng, không tác động hay ép buộc phía JTC mà hoàn toàn do nhà thầu tự nguyện hỗ trợ.
Trước sự quanh co của bị cáo Bằng, HĐXX đã công bố lời khai của một số chuyên gia người Nhật, thuộc JTC. Theo đó, một cựu chuyên gia người Nhật, khẳng định: “Trong quá trình thực hiện dự án với RPMU, phía JTC nhiều lần bị ông Bằng vòi vĩnh nên dù không muốn vẫn phải nhiều lần đưa tiền cho ông Bằng”.
Kết thúc quá trình thẩm vấn, đại diện Viện kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, bị cáo Bằng bị đề nghị từ 11-13 năm tù giam, buộc phải nộp hơn 3,6 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; bị cáo Thái bị đề nghị từ 10-12 năm tù giam, buộc phải nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; bị cáo Duy bị đề nghị từ 8-10 năm tù giam, buộc phải nộp hơn 2,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính; bị cáo Lục bị đề nghị từ 6-8 năm tù giam, số tiền 100 triệu đồng nộp được đề nghị bổ sung công quỹ; bị cáo Đông bị đề nghị từ 7-9 năm tù giam, số tiền 30 triệu đã nộp được đề nghị bổ sung công quỹ; bị cáo bị đề nghị Hiếu từ 7-9 năm tù giam, buộc bị cáo phải nộp 50 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Tòa kê biên tài sản của bị cáo Bằng, bị cáo Thái và bị cáo Duy để đảm bảo công tác thi hành án. Sau khi đại diện Viện kiểm sát luận tội, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Ngày 27/10, phiên xử tiếp tục.
6 bị cáo trong vụ án gồm: Phạm Hải Bằng, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU; Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông, nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Giám đốc RPMU; Phạm Quang Duy, nguyên Phó Tổng giám đốc RPMU. |