Lập khống hồ sơ mua hàng trả góp để chiếm đoạt

Thứ Ba, 01/12/2015, 07:27
Dũng là nhân viên hợp đồng của Công ty PPF đã câu kết với Danh trong việc lập khống hồ sơ mua hàng trả góp để Danh chiếm đoạt năm chiếc điện thoại Iphone 5S. Ngày 30- 11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này.

Phú Trung Dũng (25 tuổi, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) là nhân viên hợp đồng của Công ty TNHH một thành viên Tài chính PPF Việt Nam  (viết tắt là Công ty PPF) là công ty có 100% vốn nước ngoài, trụ sở đặt tại TP HCM. Quá trình làm việc ở công ty này, Dũng đã câu kết với Hoàng Tiến Danh (25 tuổi, ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) trong việc lập khống hồ sơ mua hàng trả góp để Danh chiếm đoạt năm chiếc điện thoại Iphone 5S. Ngày 30- 11, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Công ty PPF có chương trình hợp tác với Công ty FPT về việc cấp tín dụng trả góp hằng tháng cho khách hàng không đủ tiền trả một lần khi mua các sản phẩm điện máy của Công ty FPT. Dũng và  Danh là bạn học cùng thời phổ thông nên sau khi ra trường, cả hai vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Vì cần mua một máy tính xách tay nhưng không đủ tiền trả nên Danh đã đến cửa hàng bán lẻ của Công ty FPT tại Hà Nội- nơi Dũng làm việc để mua máy tính với hình thức trả góp. 

Tại đây, Danh đưa cho Dũng giấy tờ tùy thân của mình và Dũng đã lập cho Danh một hợp đồng tín dụng trả góp với Công ty PPF đứng tên Danh. Sau khi mua, Danh trả tiền gốc và lãi được vài tháng thì không còn khả năng trả nợ nữa. 

Nhận thấy việc mua hàng trả góp dễ dàng và việc làm thủ tục hồ sơ mua bán có nhiều kẽ hở nên Danh nảy sinh ý định mượn giấy tờ tùy thân của một số người bạn rồi giả chữ ký của họ, sau đó lập hợp đồng vay tiền của Công ty PPF rồi mua điện thoại trả góp của Công ty FPT để công ty không xác định được người mua thật, nhằm chiếm đoạt số tiền vay của Công ty PPF.

Hai bị cáo Danh và Dũng tại phiên xử.

Để thực hiện ý đồ trên, Danh đến gặp Dũng bàn bạc với phương thức và thủ đoạn nêu trên và Dũng đã nhận lời “giúp đỡ”. Sau đó Danh mượn năm chứng minh nhân dân và giấy phép lái xe của bạn mình rồi mang đưa cho Dũng. Dũng tự phôtô hai loại giấy tờ này, giữ lại bản phôtô, còn giấy tờ gốc Dũng đưa lại để Danh trả cho các bạn của Danh. Với số giấy tờ phôtô, Dũng lập hồ sơ hợp đồng giúp Danh mua năm chiếc điện thoại Iphone 5S với hình thức trả góp. Sau khi giả chữ ký trong các giấy tờ hợp đồng liên quan, Danh được giải ngân và đóng một tài khoản bắt buộc, số tiền còn lại nợ Công ty PPF dưới hình thức trả góp hằng tháng. 

Với thủ đoạn gian dối như trên, Danh đã mua trả góp trót lọt năm chiếc điện thoại Iphone 5S và mang về bán cho những người không quen biết với giá 15 triệu đồng một chiếc. Số tiền bán điện thoại, Danh không mang trả cho công ty mà sử dụng chi tiêu cá nhân hết. 

Do quá hạn thanh toán nhiều tháng mà không thấy người mua trả nợ, thấy có biểu hiện vi phạm hợp đồng nên Công ty PPF đã tiến hành xác minh hợp đồng mua bán tài chính thì mới biết, cả năm khách hàng mà Danh mượn giấy tờ pháp nhân đều không trực tiếp ký hợp đồng mua điện thoại trả góp với công ty. Thấy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đại diện Công ty PPF đã gửi đơn tới cơ quan điều tra trình báo sự việc này. 

Quá trình điều tra xác định, số tiền mà Dũng và Danh đã câu kết để chiếm đoạt của Công ty PPF trong việc mua trả góp năm chiếc điện thoại Iphone 5S là gần 50 triệu đồng. Khi vụ án xảy ra, gia đình đã tự nguyện bỏ ra số tiền trên để giúp Dũng khắc phục hậu quả. 

Tại phiên xử, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như nêu trên. HĐXX tuyên phạt bị cáo Danh 15 tháng tù; bị cáo Dũng 9 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án đã kết thúc. Đối tượng phạm tội đã bị xử phạt tương xứng với tội danh. Nhưng mong rằng, bài học từ vụ án này sẽ cảnh tỉnh mỗi người để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

N.Hưng
.
.
.