Làm giả sổ đỏ và sổ tiết kiệm, lừa đảo gần 5 tỷ đồng
- Làm giả sổ đỏ chiếm đoạt gần 4 tỷ để cá độ bóng đá
- "Trùm sò" đường dây làm giả sổ đỏ ra đầu thú
- Làm giả sổ đỏ, bán đất của người khác
Từ những thông tin do ngân hàng cung cấp, Công an huyện Sa Pa vào cuộc điều tra, đã làm rõ thủ đoạn phạm tội của Bảo; xác định số tiền bị chiếm đoạt tính đến ngày 14-6 là gần 5 tỷ đồng. Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Bảo, Công an huyện Sa Pa đã chuyển hồ sơ đến Phòng Cảnh sát kinh tê, Công an tỉnh Lào Cai để tiếp tục đấu tranh, làm rõ.
Từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả...
Có “máu” đỏ đen nên toàn bộ số tiền của gia đình nhận được từ việc đền bù giải phóng mặt bằng, Tạ Quốc Bảo đều “nướng” vào các canh bạc. Để thỏa mãn thú vui và chi trả các các khoản vay trước đó, anh ta nghĩ đến việc làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay tiền của những người quen biết.
Tháng 8-2015, Bảo liên lạc với một lái xe taxi tại Hà Nội tên là Bình, thuê người này làm 2 quyển sổ đỏ giả mang tên Tạ Đức Minh (là bố đẻ của Bảo) và sổ đỏ mang tên Bảo, do UBND huyện Sa Pa cấp đối với 2 thửa đất tại tổ 2B, thị trấn Sa Pa, mà trước đó anh ta đã chuyển nhượng cho người khác.
Theo yêu cầu của Bình, Bảo đã gửi hai bản pho to sổ đỏ thật, kèm theo tiền công là 8 triệu đồng cho đối tượng này. Sau đó khoảng 1 tuần, Bảo trực tiếp xuống Hà Nội nhận 2 quyển sổ đỏ giả trên.
Tháng 12-2015, đối tượng sử dụng sổ đỏ giả mang tên ông Tạ Đức Minh vay của bà Nguyễn Thị Huệ (ở thị trấn Sa Pa) 500 triệu đồng. Sau khi tiêu xài, ngày 31-12-2015, Bảo tiếp tục đến nhà bà Huệ vay thêm 500 triệu đồng.
Vì số tiền vay quá lớn, bà Huệ đã yêu cầu Bảo phải làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với quyển sổ đỏ trên. Sau đó, Bảo cùng bà Huệ đến Văn phòng công chứng huyện Sa Pa làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trị giá 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hảo, Trưởng văn phòng công chứng huyện Sa Pa, là người làm hợp đồng. Khi tiến hành kiểm tra, bà Hảo phát hiện mảnh đất trên sổ đỏ trên đã được chuyển nhượng cho một người khác và nghi ngờ đó là sổ đỏ giả...
Cũng trong tháng 12-2015, Bảo đã sử dụng sổ đỏ giả mang tên anh ta để vay thêm của anh Trần Ngọc Hanh (trú tại thị trấn Sa Pa) 300 triệu đồng (trước đó, Bảo đã cầm cố sổ đỏ thật mang tên ông Tạ Đức Minh vay của anh Trần Ngọc Hanh nhiều lần với số tiền là 900 triệu đồng).
Với mục đích rút quyển sổ đỏ thật ra, đối tượng trả nạn nhân Hanh 300 triệu đồng và nhận lại của anh Hanh sổ đỏ thật mang tên bố đẻ của Bảo là Tạ Đức Minh. Sau đó, Bảo đưa lại cho anh Hanh quyển sổ đỏ giả để cầm cố các khoản vay trước đó. Anh Hanh nhiều lần đòi tiền không thành thì đối tượng làm giấy vay của anh Hanh 2,3 tỷ đồng.
Đến làm giả sổ tiết kiệm của ngân hàng
Thấy việc lừa tiền dễ dàng, đầu tháng 6-2016, Bảo nảy sinh ý định làm giả giấy tờ của UBND huyện Sa Pa liên quan đến việc sở hữu 2 ki ốt tại chợ văn hóa bến xe Sa Pa để vay tiền. Đối tượng tiếp tục liên hệ với Bình làm giả một biên bản của UBND huyện Sa Pa liên quan đến việc giao kiốt cho Bảo và chị Tạ Thị Thu Hà (trú tại Sa Pa) cùng 1 tờ thông báo của UBND huyện Sa Pa liên quan đến việc bàn giao 2 ki ốt trên...
Với bộ giấy tờ giả này, Bảo lừa làm hợp đồng mua bán 2 ki ốt cho chị Trần Thị Thúy ở thị trấn Sa Pa với giá 900 triệu đồng. Không nghi ngờ gì, chị Trần Thị Thúy đã nhiều lần đưa cho Bảo 923 triệu đồng; đưa cho Hà 65 triệu đồng và nhận lại của Bảo 2 giấy tờ giả trên.
Đến tháng 11-2016, Bảo lấy lý do cần sửa lại một số thông tin, đã yêu cầu chị Thúy đưa lại các giấy tờ trên. Sau đó, chị Thúy nhiều lần gặp Bảo đòi lại giấy tờ thì đối tượng nói dối rằng đã bị mất... Trong tình huống bất khả kháng đó, để đảm bảo khoản tiền của mình, chị Thúy đã yêu cầu Bảo làm hợp đồng vay số tiền hơn 988 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, ngay cả người vợ cũng trở thành nạn nhân của anh ta. Trước đó, Bảo đã chi tiêu hết số tiền của gia đình... Khi vợ Bảo là Phạm Thị Liễu hỏi đến, anh ta lo sợ sự việc bị bại lộ, đã quyết định thuê làm giả sổ tiết kiệm của một chi nhánh ngân hàng ở Lào Cai. Để vợ không nghi ngờ, Bảo đưa Liễu và em gái là Hà đi làm sổ tiết kiệm. Tại cửa ngân hàng này, Bảo đưa cho chị Liễu và Hà 2 sổ tiết kiệm giả và 2 tờ pho to của mỗi sổ (anh ta đã chuẩn bị trước).
Theo lời khai của Bảo thì thời gian sau này, các khoản vay bị chủ nợ đòi gắt gao nên anh ta túng quẫn tiếp tục làm liều. Vì thế, vào cuối năm 2016, đối tượng nhờ Liễu đứng tên, cầm cố sổ tiết kiệm giả mang tên Liễu vay của anh Nguyễn Viết Hùng (trú tại thị trấn Sa Pa) 250 triệu đồng.
Tối cùng ngày, Bảo nhờ Hà dùng sổ tiết kiệm giả mang tên Hà và Bảo để cầm cố, thay vào sổ của Liễu. Sau đó, ngày 25-10-2016, anh ta tiếp tục hỏi vay thêm của anh Hùng 130 triệu đồng... Để hợp thức hóa khoản vay này, Bảo làm hợp đồng cầm đồ, sau đó mang về để Liễu ký, nhưng Liễu không đồng ý. Vì thế, Bảo đã tự ý ký tên chị Liễu vào bản hợp đồng cầm đồ trên và vay thêm của anh Hùng 130 triệu đồng. Sự việc vỡ lở khi Phạm Thị Liễu cùng nạn nhân Nguyễn Viết Hùng đến một ngân hàng trên địa bàn huyện Sa Pa để kiểm tra sổ tiết kiệm, qua kiểm tra cán bộ ngân hàng nghi là giả.
Tiếp nhận thông tin, Đội Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Pa dưới sự chỉ đạo của Đại tá Trần Văn Trường, Trưởng Công an huyện đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc.... Căn cứ vào thông tin thu thập được, Công an huyện Sa Pa đã làm việc với chị Liễu và Bảo.
Tại đây, đối tượng Bảo đã thừa nhận hành vi phạm tội; giao nộp cho cơ quan CSĐT Công an huyện Sa Pa 1 sổ tiết kiệm mang tên Phạm Thị Liễu với tiền gửi là 580 triệu đồng, 1 sổ tiết kiệm mang tên Hà với số tiền là 450 triệu đồng. Công an huyện Sa Pa đã tiến hành trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Lào Cai; xác định sổ tiết kiệm là giả.
Căn cứ vào tài liệu thu thập được, ngày 8-3, cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bảo về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Ngày 9-5, cơ quan CSĐT Công an huyện Sa Pa đã ra quyết định chuyển đổi tội danh với Bảo từ làm giả con dấu, tài liệu cả cơ quan, tổ chức sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.