Kiềm chế tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

Thứ Bảy, 02/01/2021, 09:52
Những năm qua, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn biến phức tạp. Nhờ triển khai nhiều cách làm hay trong công tác phòng ngừa, đấu tranh mà Công an tỉnh Bình Dương đã kiềm chế loại tội phạm này. 


Để phòng ngừa tội phạm, cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh ra quân tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú tại các dãy nhà trọ, khu dân cư như phát tờ rơi, làm băng rôn. Xây dựng các mô hình như “Tổ hòa giải”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ phòng chống tội phạm”… tại địa bàn cơ sở, góp phần tích cực phòng chống tội phạm.

Bên cạnh xây dựng các mô hình trên, Công an tỉnh Bình Dương còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư, đặc biệt chú ý đến cách xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn nếu phát sinh tại các khu dân cư, dãy phòng trọ. 

Phân công trách nhiệm cụ thể trong công tác rà soát nắm và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân (nhất là các mâu thuẫn về kinh tế, đất đai, tình cảm, mâu thuẫn trong gia đình…) để phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. 

Tham mưu tổ chức các hội nghị, tọa đàm để đánh giá tình hình, những nguyên nhân hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, nhằm đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn từng địa bàn.

Các đối tượng giết người ở tỉnh Bình Dương bị bắt giữ.

Đồng thời, chú trọng đến công tác nắm người, nắm hộ tại địa bàn cơ sở; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Phối hợp với các ngành tham mưu triển khai đề án xã hội hóa lắp đặt camera an ninh trên địa bàn; thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của rượu bia; quản lý các loại hình kinh doanh sau 24 giờ. Tập trung rà soát các loại đối tượng và phân công trách nhiệm cụ thể các lực lượng trong công tác quản lý; phối hợp với các ngành quản lý người tâm thần ở gia đình và ngoài xã hội, quản lý phòng ngừa đối tượng “ngáo đá” gây án.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương phân tích: Do giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Phước, các đối tượng, băng nhóm thường lợi dụng để ẩn náu, tập hợp và hoạt động phạm tội. Qua thống kê cho thấy, từ năm 2014 - 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6.307 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 292 vụ giết người (chiếm 4,63% tổng số vụ phạm pháp hình sự); số vụ giết người do nguyên nhân xã hội là 270 vụ, 352 đối tượng, chiếm 92,47% tổng số vụ giết người.

Qua phân tích các vụ án cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ giết người thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, văn hóa vùng miền, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ghen tuông tình ái nên đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. 

Một số trường hợp mâu thuẫn do tranh chấp tài sản hoặc va quệt khi tham gia giao thông. Nhiều đối tượng có tính côn đồ, hung hãn, khi xảy ra mâu thuẫn đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí gây thương tích cho người khác. Một số vụ việc tuy không mang tính chất băng nhóm nhưng khi bị khiêu khích, kích động thì gọi điện cho người thân, bạn bè đồng hương cùng đến để giải quyết vấn đề, gây hậu quả nghiêm trọng.

C.Bình
.
.
.