Hoãn phiên tòa xét xử vụ Ethanol Phú Thọ
- Sáng mai, xét xử ông Đinh La Thăng trong đại án Ethanol Phú Thọ
- Ông Đinh La Thăng lĩnh 10 năm tù
- Giúp Đinh Ngọc Hệ, ông Đinh La Thăng bị phạt 10 năm tù
11 bị cáo cùng hầu toà gồm: Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam- PVC), Vũ Thanh Hà (SN 1962, cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí- PVB), Trần Thị Bình (SN 1958, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN), Phạm Xuân Diệu (SN 1960, cựu Tổng Giám đốc PVC), Nguyễn Ngọc Dũng (SN 1958, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC), Đỗ Văn Quang (SN 1972, cựu Trưởng Ban Kinh tế kế hoạch, sau đổi tên là Ban Kinh tế đấu thầu- PVC), Nguyễn Xuân Thủy (SN 1961, cựu Phó Trưởng Phòng đầu tư dự án- PVB), Khương Anh Tuấn (SN 1975, cựu Phó Trưởng Phòng Thương mại- PVB), Lê Thanh Thái (SN 1960, cựu Trưởng Phòng Kinh doanh- PVB), Hoàng Đình Tâm (SN 1981, cựu Kế toán trưởng PVB), Đỗ Văn Hồng (SN 1967, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc- PVC Kinh Bắc).
Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Đỗ Văn Hồng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Bị cáo Đinh La Thăng và 9 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đinh La Thăng. |
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. |
Khoảng 7h, bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (và 10 bị cáo còn lại được đưa đến Toà án. Trước khi vào phòng xét xử, các bị cáo được kiểm tra y tế và kiểm tra an ninh theo quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài các bị cáo, những thành phần khác được triệu tập đến phiên toà cũng phải thực hiện khai báo y tế và kiểm tra an ninh.
Tại phần thủ tục, Thư ký phiên toà báo cáo, bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) có đơn trình báo về việc phải đi cấp cứu vì bệnh và xin hoãn phiên tòa. Luật sư của bị cáo Trần Thị Bình cũng kiến nghị HĐXX hoãn phiên toà để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ của mình.
Trình bày ý kiến với HĐXX, các luật sư bào chữa khác cho rằng, bị cáo Bình có vai trò quan trọng trong vụ án. Do đó, việc bị cáo Trần Thị Bình vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến quá trình thẩm vấn và tranh luận tại tòa nên đề nghị HĐXX hoãn phiên xử.
Ngoài sự vắng mặt của bị cáo Trần Thị Bình, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Tâm (cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí- PVB) cũng không có mặt tại phiên toà.
Bị cáo Hoàng Đình Tâm đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên xử cho đến khi có luật sư của bị cáo tham dự. Bị cáo Lê Thanh Thái (cựu cán bộ PVB) cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để bị cáo được gặp luật sư chỉ định cho mình.
Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại phiên xử. |
Tại phiên xử sáng nay, đại diện các đơn vị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), đại diện Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) cùng nhiều cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án dù đã được Toà án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt.
Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa theo quy định do vắng bị cáo Trần Thị Bình và nhiều thành phần tham gia tố tụng. Theo đại diện Viện kiểm sát, sự vắng mặt của bị cáo Trần Thị Bình và các thành phần khác có thể làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án này.
Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên toà cho biết, TAND TP Hà Nội đã triệu tập hợp lệ nhưng nhiều luật sư, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt với lý do khách quan. Bị cáo Nguyễn Thị Bình cũng vắng mặt do gặp vấn đề về sức khỏe và có xác nhận của cơ sở y tế. Để đảm bảo tính khách quan của vụ án, đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo khác và các tập thể, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX quyết định hoãn phiên toà. Thời gian mở lại phiên toà sẽ được thông báo sau.