Hai giám đốc câu kết sản xuất thuốc giả chữa bệnh
Hai người này đã câu kết với nhau sản xuất hai loại thuốc chữa bệnh giả là thuốc tai biến mạch máu não và thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em để bán ra thị trường kiếm lời bất chính. Giúp sức cho Văn là Nguyễn Thị Phương Thanh (25 tuổi, trú tại thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là lao động tự do. Ngày 22- 4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án này.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Văn và Hiệp quen biết nhau từ năm 2008 khi buôn bán dược phẩm. Tháng 6-2014, do biết thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine và thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em nhãn hiệu Zinc-Kid của Công ty cổ phần Dược phẩm TW3 đang bán chạy trên thị trường, Văn đã bàn với Hiệp tự sản xuất hai loại thuốc trên để bán kiếm lời.
Để có nguyên liệu, Văn liên hệ với Đỗ Ngọc Tú (trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ TechLand đặt mua 152kg hạt cốm kẽm với giá 100.000 đồng/kg và 21.600 viên thuốc con nhộng. Số tiền Văn trả cho Tú là gần 28 triệu đồng.
Có “lõi” rồi, Văn đến một số cơ sở in đặt in vỏ hộp, giấy tờ hướng dẫn sử dụng hai loại thuốc trên và tem có in dòng chữ “Công ty cổ phần Dược phẩm TW3…” để dán trên vỏ hộp thuốc Lumbrotine và thuốc Zinc-Kid. Sau khi có đủ các “nguyên liệu” trên, Văn đưa cho Hiệp đóng gói thành thuốc Lumbrotine giả. Thanh được Văn thuê đóng gói thành phẩm giả thuốc Zinc-Kid.
Hai bị cáo Văn và Hiệp tại phiên xử. |
Thời gian đầu, Thanh đóng gói thuốc giả tại nhà trọ của Văn ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, thay đổi địa điểm về xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Khi có thành phẩm, Văn giao cho Hiệp khoảng 3.000 hộp thuốc Zinc-Kid và 700 hộp thuốc Lumbrotine mang đi chào bán tại các cửa hàng thuốc. Bán được hàng, Hiệp trả cho Văn 45.000 đồng/hộp thuốc Zinc-Kid giả và 40.000 đồng/hộp thuốc Lumbrotine giả.
Hành vi phạm tội của Văn và đồng phạm bị phát hiện vào cuối năm 2014, khi Công an TP Hà Nội kiểm tra Bùi Văn Hiệp đang chuẩn bị giao dịch với một đối tượng tại khu vực vườn hoa trước cổng Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội. Kết quả kiểm tra cho thấy, Hiệp vận chuyển một thùng cát tông chứa 150 hộp thuốc nhãn hiệu Lumbrotine và 80 hộp thuốc nhãn hiệu Zinc-Kid. Cả hai loại thuốc này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Hiệp khai, toàn bộ số thuốc này mua của Nguyễn Anh Văn. Quá trình điều tra xác định, đến khi bị phát hiện và bắt giữ, Văn đã thu lời từ việc sản xuất thuốc giả là 44 triệu đồng.
Liên quan đến vụ án này còn có Phạm Thanh Tú (24 tuổi, trú tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) được Văn thuê đóng gói thuốc giả hai loại thuốc trên. Cơ quan điều tra xét thấy, hành vi vi phạm của Tú chưa đến mức đề nghị xử lý hình sự.
Đối với Đỗ Ngọc Tú, Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ TechLand đã tạo điều kiện cho Văn thực hiện tội phạm. Quá trình điều tra xác định, công ty của Tú được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng.
Khi đặt mua các nguyên liệu trên của Tú, Văn chỉ nhắn tin công thức nên anh này không biết việc Văn mua các nguyên liệu trên về để sản xuất thuốc giả. Do tin tưởng Văn nên Tú không làm hợp đồng, không xem hồ sơ sản phẩm. Vì vậy cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với Đỗ Ngọc Tú về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã tách phần tài liệu liên quan đến Đỗ Ngọc Tú chuyển đến Thanh tra Bộ Y tế đề nghị xử lý về hành vi bán nguyên liệu cho Văn theo quy định của pháp luật.
Sau một ngày xét xử, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Văn 36 tháng tù giam, bị cáo Hiệp 30 tháng tù giam và bị cáo Thanh 18 tháng tù (án treo) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, quy đinh tại Điều 157 Bộ luật Hình sự.