Điều tra băng "tín dụng đen"liên quan đến cán bộ ngân hàng

Thứ Hai, 07/06/2021, 09:40
Bà Phạm Thị Ngọc Yến tố cáo đối tượng T "biển" cùng một nhóm người có hành vi cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản. Trong số này có hai cán bộ ngân hàng là ông M, giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng và bà Tr, vợ ông M, kế toán một phòng giao dịch khác đều nằm trên địa bàn TP Thủ Đức.


Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết đang thụ lý điều tra theo đơn của bà Phạm Thị Ngọc Yến (ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) tố cáo đối tượng T "biển" cùng một nhóm người có hành vi cho vay nặng lãi và cưỡng đoạt tài sản. Trong số này có hai cán bộ ngân hàng là ông M, giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng và bà Tr, vợ ông M, kế toán một phòng giao dịch khác đều nằm trên địa bàn TP Thủ Đức.  

Trong đơn tố cáo gửi cơ quan Công an, bà Yến cho biết, năm 2015, do cần tiền gấp để giải quyết công việc, bà có vay của T "biển" ở gần nhà số tiền 1,7 tỷ đồng với lãi suất 30%/tháng. 

Theo thỏa thuận, cứ 10 ngày 1 lần, bà Yến phải trả lãi 170 triệu đồng. Sở dĩ T "biển" dám cho bà Yến vay "tín chấp" số tiền lớn vì biết rõ gia đình bà Yến có khá nhiều đất đai. Gia đình bà Yến thuần nông, nhiều đời sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi ở Thủ Đức. Sau khi cha mẹ qua đời đã để lại cho chị em bà Yến khá nhiều đất đai ở mặt đường thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi.

Hình ảnh nhà bà Yến và những người thân bị tạt sơn khủng bố.

Sau khi trả lãi được một thời gian, đến đầu năm 2016, bà Yến mất khả năng chi trả. T "biển" đe dọa và buộc bà Yến phải vay của người khác để trả lãi cho mình. Và người T "biển" giới thiệu không ai khác hơn chính là V, vợ của T "biển". Bà Yến vay của V 3 lần với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng để trả lãi cho T "biển" cũng với lãi suất 30%/tháng. 

Sau đó T "biển" tiếp tục giới thiệu hết người này đến người khác để vay nợ người sau trả cho người trước, trong đó có vợ chồng ông M, bà Tr. Khi đã không còn người để vay thì nhóm người này buộc bà Yến phải thế chấp nhiều bất động sản để vay ngân hàng với hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn trả không đủ tiền lãi. 

Đến giữa năm 2020, nhóm người trên đã chốt lại là bà Yến còn thiếu nợ cả vốn lẫn lãi là hơn 82 tỷ đồng!. "Tất cả những lần vay mượn nợ người này trả cho người kia đều thể hiện trên giấy chứ thực tế tôi không có nhận đồng nào cả. Họ soạn sẵn giấy nợ rồi đe dọa buộc tôi phải ký và họ giữ hết giấy tờ", bà Yến kể lại trong nước mắt.

Khi các tài sản của gia đình đã thế chấp hết trong ngân hàng, nhóm người này tiếp tục đe dọa giết chết để buộc người thân của bà Yến thế chấp, bán tài sản để trả nợ thay cho bà Yến. Thời gian gần đây, ông Lê Huỳnh Xuân, em của bà Yến bị nhóm này buộc phải bán diện tích đất hơn 1.800m2 để tiếp tục trả nợ thì bà Yến cùng ông Xuân đã không còn chịu đựng nổi nên tố cáo đến cơ quan Công an. Và cũng kể từ đó, gia đình bà Yến liên tục bị nhóm người này đe dọa, buộc bà Yến phải bỏ trốn khỏi địa phương.

Tiếp sau đó, nhiều lần gia đình bà Yến và người thân bị những người lạ mặt khủng bố bằng cách tạt nước sơn vào nhà. Ngay cả nơi mà bà Yến lẩn trốn cũng bị nhóm người này lùng ra và tạt sơn khủng bố. Mỗi lần bà Yến đến cơ quan Công an, ngân hàng làm việc đều có người lạ mặt bám theo sau khiến bà Yến luôn sống trong tâm trạng tinh thần hoảng loạn, lo âu, sợ sệt. 

Theo người nhà bà Yến cho biết, bà nhiều lần đòi tự tử nên người thân phải luôn theo sát bên bà. Có lần bà viết thư tuyệt mệnh rồi tưới xăng lên người tự thiêu nhưng được mọi người ngăn cản kịp thời, bị bỏng nhẹ ở vai và tay. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức đã lấy lời khai từ hai phía để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ.

Từ những tài liệu mà PV Báo CAND có được cho thấy, có mối quan hệ giữa T "biển" và vợ chồng M, Tr liên quan đến chuyện vay mượn nợ của bà Yến. Theo bà Yến cho biết, tất cả những lần bà vay tiền ngân hàng đều do vợ chồng ông M, bà Tr đạo diễn. 

Bởi thực tế, với một người nông dân không có nghề nghiệp như bà Yến thì khó có thể thế chấp gần 10 bất động sản để vay hàng chục tỷ đồng của ngân hàng vì không thể chứng minh nguồn thu nhập, phương án trả nợ vay. Đây là điểm mấu chốt mà cơ quan điều tra cần làm rõ là có hay không việc tạo lập hồ sơ khống để vay vốn ngân hàng. 

Ngân hàng mà bà Yến vay vốn là của nhà nước, việc vi phạm có thể dẫn đến hậu quả gây thất thoát nguồn vốn nhà nước mà đây là hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước, ngân hàng; người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đặc biệt và lạ lùng hơn là sau khi vay vốn ngân hàng thì gần 10 bất động sản nói trên lại được bà Yến và những người thân đứng tên quyền sử dụng, sở hữu ủy quyền lại cho bà Tr được toàn quyền định đoạt số tài sản này. Trong đó, bà Tr có quyền thay mặt và nhân danh người ủy quyền liên hệ ngân hàng, các tổ chức tín dụng để thanh toán vốn, lãi; giải trừ thế chấp và định đoạt luôn tài sản sau khi giải chấp. 

Đáng nói là để ủy quyền như vậy, theo các hợp đồng công chứng, bà Yến và người thân phải trả thù lao cho bà Tr 50 tỷ đồng. Hiện nay các khoản vay của bà Yến đều bị nợ quá hạn và có khả năng bị ngân hàng phát mãi để thu hồi vốn. Như vậy, một kịch bản có thể xảy ra đó là khi các tài sản bị phát mãi để trả các khoản nợ thì bà Yến và người thân không chỉ trắng tay mà còn nợ bà Tr 50 tỷ đồng! 

"T "biển" giới thiệu bà Tr gặp tôi và đe dọa buộc tôi phải làm theo lời bà Tr. Lợi dụng sự hoảng loạn và thiếu hiểu biết của tôi, bà Tr kêu tôi thế chấp tài sản để vay ngân hàng nhằm trả nợ vay là lấy kinh phí để xây dựng dự án chung cư cao tầng trên phần đất hơn 1.800m2 của em tôi. Nhưng sau này tôi mới biết tất cả chỉ là giả tạo theo sự sắp đặt của những người này", bà Yến đau khổ kể thêm.

Để làm tin việc thực hiện "dự án chung cư cao tầng" là có thật, bà Tr đã đăng ký thành lập doanh nghiệp với vốn điều lệ 500 tỷ đồng để có pháp nhân thực hiện dự án. Trong đó bà Tr góp vốn 405 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 81%; ông D góp 60 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12% và ông Lê Huỳnh Xuân, em của bà Yến góp 35 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7%. 

Với hiểu biết hạn hẹp của mình, bà Yến, ông Xuân cứ nghĩ 500 tỷ đồng góp vào công ty là có thật mà đâu biết rằng chuyện doanh nghiệp muốn ghi vốn điều lệ bao nhiêu là tùy thích. Nếu sau 90 ngày không góp đủ vốn mà có bị kiểm tra thì chỉ bị phạt từ 10-20 triệu đồng rồi… thôi, chứ chẳng ai hề hấn gì. Chính vì tấm "bùa hộ mệnh" là giấy đăng ký doanh nghiệp này đã đưa gia đình bà Yến vào cảnh trắng tay, tán gia bại sản…

Qua các yếu tố nói trên cho thấy, việc bà Yến và người thân thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng và ủy quyền cho bà Tr là rất bất thường, không phù hợp với lẽ tự nhiên. Từ đó cho thấy các nội dung tố cáo của bà Yến về nhóm người cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố để hòng chiếm lấy tài sản của bà Yến là có cơ sở để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ.

Mã Hải-Minh Đức
.
.
.