Đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung tham chiếu Châu Âu
- Hé lộ nhiều bí mật trong vụ triệt phá đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả
- Đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả được khám phá như thế nào?
Kết luận điều tra nêu rõ, do nắm bắt được việc nhiều người có nhu cầu cần chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh phục vụ yêu cầu công việc nên Nguyễn Văn Thuật và Nguyễn Thị Hạnh đã thực hiện hành vi gian dối, giả mạo việc được Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội cho phối hợp tuyển sinh, bồi dưỡng và tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu để đứng ra tuyển sinh thu tiền của 142 trường hợp sau đó tổ chức kỳ thi giả mạo Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội nhằm lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 568 triệu đồng.
Cũng bằng thủ đoạn nêu trên, bị can Nguyễn Thị Hạnh còn nhiều lần thực hiện hành vi gian dối tổ chức thi giả mạo Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội, Hội đồng Anh để lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 113 triệu đồng của nhiều cá nhân.
Đối tượng Thuận và Hạnh. |
Trước đó, ngày 28-1-2018, Cơ quan An ninh điều tra- Bộ công an bắt quả tang Nguyễn Văn Thuật và Nguyên Thị Hạnh đang tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu giả mạo Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội cho 142 thí sinh tại một trung tâm ở Hà Nội. Sau đó, vụ án được bàn giao lại cho cơ quan ANĐT – Công an Hà Nội tiến hành điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Sau một thời gian điều tra, đến nay Cơ quan ANĐT – Công an Hà Nội đã làm rõ: khoảng tháng 9-2017, Nguyễn Văn Thuật quen biết Nguyễn Thị Hạnh và Hạnh tự giới thiệu là cán bộ trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội. Thuật đã chủ động đặt vấn đề nhờ Hạnh xin liên kết với Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội để tuyển sinh, thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu (khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Đến đầu tháng 1-2018, Hạnh chuyển cho Thuật văn bản giả mạo Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội gửi Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Đông Dương có nội dung là trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội nhất trí cho Công ty Đông Dương phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực Ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu.
Sau khi nhận được văn bản từ Hạnh, Thuật đã chụp lại bản công văn giả nêu trên để đăng lên Zalo và gửi email quảng cáo tới các đối tác.
CQĐT xác định, Thuật không kiểm tra lại tính xác thực của văn bản do Hạnh cung cấp, hay làm việc với bất cứ người có thẩm quyền nào từ phía Trường ĐHNN- ĐHQG Hà Nội nhưng vẫn thực hiện tuyển sinh, ông tập, tổ chức thi và tự đưa ra mức thu lệ phí từ 2,8 triệu đồng đến 14 triệu đồng đối với từng trình độ.
Sau đó, đã có 5 đầu mối do tin tưởng vào lời giới thiệu, thông báo của Thuật nên đã nhận hồ sơ, tiền của nhiều cá nhân để nộp cho Thuật đăng ký nhằm mục đích hưởng tiền chênh lệch. 5 đầu mối này ngoài việc nhận hồ sơ và tiền trực tiếp từ các thí sinh, họ còn nhận từ nhiều đầu mối trung gian khác và số tiền mà các trung gian thu của thí sinh giao động từ 4 triệu đồng lên đến 25 triệu đồng/thí sinh.
Trong đó, Nguyễn Văn Thuật đã nhận từ 5 đầu mối hồ sơ của 142 thí sinh và số tiền 568,5 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, Nguyễn Văn Thuật đã đưa cho Nguyễn Thị Hạnh tổng cộng 350 triệu đồng, Thuật hưởng hơn 218 triệu đồng và thống nhất tổ chức cho thí sinh thi vào ngày 28-1-2018 thì bị Công an bắt quả tang.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định bị can Nguyễn Thị Hạnh còn lừa đảo chiếm đoạt của một số giáo viên có nhu cầu thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để phục vụ công việc số tiền 112,5 triệu đồng, sau đó đưa cho họ chứng chỉ giả để về nộp cho cơ quan.
Không chỉ vậy, Nguyễn Thị Hạnh còn đứng ra nhận hàng trăm triệu đồng của các trường hợp có nhu cầu thi chứng chỉ IELTS của Hội Đồng Anh. Sau đó, Hạnh đã thuê địa điểm để tổ chức thi cho một số trường hợp, rồi cấp chứng chỉ giả cho họ. Còn 20 trường hợp chưa được thi thì Hạnh bị bắt giữ.
Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức của Nguyễn Thị Hạnh cùng đồng phạm, CQĐT đã quyết định bóc tách, xử lý sau.