Đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả được khám phá như thế nào?

Hé lộ nhiều bí mật trong vụ triệt phá đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả

Thứ Sáu, 23/02/2018, 09:46
Đường dây tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực châu Âu vừa được khám phá cho thấy tình hình văn bằng, chứng chỉ giả hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp và trở thành một vấn nạn trong xã hội. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin cùng với các thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng.


Bài cuối: Cái giá phải trả cho kẻ làm và người mua bằng giả

Lời khai của hai trong số 140 người tham gia thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ vừa được CQĐT lý giải vì sao tội phạm làm giả giấy tờ có đất để hoạt động. Chị Nguyễn Vân A. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm nhà trẻ mẫu giáo ở phố Cửa Bắc (Hà Nội), chị đã chuyển công tác nhiều trường và hiện đang là giáo viên của một trường mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội).

Năm 2017, chị Vân A. được ban giám hiệu nhà trường thông báo xét thăng hạng giáo viên trong đợt tới, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học cơ bản. Qua một  đồng nghiệp, A. biết sẽ có một cuộc thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ A1, A2, B1, B 2... do Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức tại một trường của lực lượng vũ trang ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Điều kiện dự thi ở đây khá đơn giản, thí sinh không phải học, chỉ phải ôn thi một ngày tại trung tâm thì sau đó sẽ tổ chức thi ngay...

Đây là một trong những tiêu chí chị lựa chọn. Bởi trên thực tế, hầu hết các chị đều vừa đi làm, vừa đi học, khả năng ngoại ngữ rất hạn chế. Ngoài chị Vân A. còn có 12 người bạn là giáo viên, mỗi người nộp 4 triệu đồng cùng 4 ảnh qua một người bạn để nộp hồ sơ dự thi. Sáng 28-1, khi lực lượng Công an thông báo thì mới biết đây là giả, không phải do Đại học Ngoại ngữ đứng ra tổ chức...

Lời khai của Vân A. cho biết, chị chưa có chứng chỉ ngoại ngữ nào và cũng chưa học qua một lớp học đào tạo về ngoại ngữ, chỉ có những kiến thức cơ bản được học từ cấp 2 và 3. Chị Vân A. và những người khác không biết trung tâm tổ chức thi là gì? Đây có lẽ cũng là điểm chung của hầu hết những thí sinh muốn cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Đa phần trong số họ đều có trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, vì thế họ luôn tìm đến những trung tâm có khả năng chống trượt...

Thực tế cho thấy thời gian qua, Công an một số đơn vị địa phương đã tổ chức truy xét, bóc gỡ nhiều vụ việc, thu giữ hàng nghìn tài liệu, giấy tờ, con dấu giả. Điển hình như Công an tỉnh Gia Lai phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tổ chức điều tra, bắt và khởi tố 10 đối tượng; thu giữ 22 nghìn tài liệu, bằng cấp, chứng chỉ giả các loại. Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá đường dây do Lê Tấn Cường cầm đầu, thu giữ hơn 45 nghìn phôi bằng, chứng chỉ giả các loại...

Khai thác dữ liệu trên máy tính thu được của đối tượng phát hiện nhiều trường hợp là cán bộ, công chức có hành vi mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương... tại các cơ quan Nhà nước.

Các tài liệu thu giữ trong vụ tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Kim Khôi, cán bộ Phòng an ninh giáo dục, Cục An ninh chính trị nội bộ cho biết: Thời gian gần đây, hoạt động mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng ngày càng gia tăng, qua rà soát, hiện có hàng chục trang mạng như “Webhochieu”, “Lambannguytin”, “Lambangdaihocgiare”, “Lambandaihocphoigoc”, “Lambangdaihocgiare” công khai đăng tải thông tin nhận làm giả các loại bằng từ tiến sỹ, thạc sỹ, đại học, cao đẳng, trung cấp của tất cả các trường và cơ sở đào tạo trên cả nước và nước ngoài với giá dao động từ 5 – 15 triệu đồng.

Vụ Lê Tấn Cường, số tiền các đối tượng giao dịch qua tài khoản ngân hàng từ tháng 9-2015 đến 4-2016 lên tới hơn 7 tỷ đồng. Điều này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, làm giảm niềm tin của nhân dân và tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị nội bộ.

Trong trường hợp này, các đối tượng làm văn bằng, chứng chỉ giả thường câu kết với nhau tạo thành đường dây lớn, khép kín, thông qua “chân rết” ở nhiều địa phương. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với lực lượng chức năng như dùng chứng minh nhân dân giả, không trực tiếp gặp mặt, thường xuyên thay đổi số điện thoại...

Đối tượng phạm tội triệt để sử dụng mạng xã hội (zalo, facebook), gmail để liên lạc, giao dịch với các trường hợp có nhu cầu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Trong trường hợp này, người có nhu cầu chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin thì có thể nhận bằng sau 5-7 ngày, riêng các loại bằng đại học, cao đẳng có kèm theo bảng điểm và bản công chứng.

Một số trường hợp, đối tượng đồng thời cam kết phôi thật, tem thật, mộc giáp lai sắc nét, dấu nổi 100% và cam kết bí mật, uy tín, an toàn, không cần đặt cọc, giao dịch được thực hiện qua dịch vụ chuyển phát nhanh của bưu điện. Điển hình như vụ truy xét đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả do Phòng An ninh giáo dục phát hiện vừa qua.

Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xác định đối tượng chính sử dụng phần mềm nhắn tin và gọi điện của ứng dụng zalo để chỉ đạo hoạt động của đường dây. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật và công nghệ, chỉ cần một số thiết bị máy tính, máy in màu, máy scan, máy khắc dấu, máy ép plastic..., các đối tượng có thể tạo hình dấu và chữ ký giả qua phương pháp khắc dấu lazer và scan màu, các phôi văn bằng giả được scan từ các mẫu văn bằng, chứng chỉ thật rồi dùng phần mềm vi tính xử lý.

Một trong những nguyên nhân là do nhiều đơn vị còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng đánh giá thực chất năng lực. Trong khi đó, các quy định của pháp luật liên quan việc xử lý hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của lực lượng Công an mới chỉ xử lý hình sự đối với các trường hợp có hành vi làm văn bằng, chứng chỉ giả.

Đối với những trường hợp mua bán, sử dụng việc xử lý vẫn chưa kiên quyết, chủ yếu mới dừng lại ở hình thức xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ nên chưa đủ sức răn đe.

Muốn hạn chế được tình trạng trên phải coi trọng công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để mỗi công dân đều tự giác chấp hành và ý thức đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán và sử dụng văn bằng chứng chỉ giả. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bằng, chứng chỉ của cán bộ, công chức, viên chức, thuộc cơ quan, đơn vị quản lý, nhất là đối với những trường hợp tuyển dụng mới và cán bộ được cử đi học để nâng cao trình độ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các học viện, trường đại học và cơ sở giáo dục trong cả nước quản lý chặt chẽ công tác cấp phát văn bằng, chứng chỉ một cách khoa học; công bố công khai kết quả học tập; bằng cấp trên trang web của cơ sở đào tạo, phục vụ hậu kiểm của các đơn vị tuyển dụng được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực internet, kinh doanh tài khoản trực tuyến, mạng viễn thông rà soát, phát hiện và ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi sản xuất, mua bán và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, đảm bảo đủ sức răn đe với các đối tượng.

Xuân Mai
.
.
.