Đại án 9.000 tỷ Đồng: VKS đề nghị giữ nguyên mức hình phạt đối với tất cả các bị cáo

Thứ Tư, 11/01/2017, 09:40
Ngày 10-1, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bước sang phần tranh luận. Đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa đã phát biểu quan điểm về vụ án.

VKS nhận thấy, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa có đủ cơ sở xác định Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến. Thời điểm đầu năm 2012, Trustbank có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, do nhóm cổ đông Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần. Từ tháng 2 đến tháng 7-2012, Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra Trustbank và kết luận thực trạng tài chính của ngân hàng này rất xấu: vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng.

Từ kết quả thanh tra, ngân hàng Nhà nước có phương án tái cơ cấu Trustbank theo hướng cho phép nhóm cổ đông cũ (nhóm Phú Mỹ) chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới (nhóm Thiên Thanh). Kể từ khi Phạm Công Danh quản trị điều hành, VNCB hoạt động không hiệu quả. Đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng.Tại thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng, tổng tài sản là hơn 16.700 tỷ đồng.

Theo VKS, có đủ cơ sở kết luận Danh và đồng phạm đã có hàng loạt hành vi sai phạm như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Đối với tội cố ý làm trái, VKS khẳng định Danh và các đồng phạm đã lập khống hồ sơ thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking để rút 63,2 tỷ đồng.

Sau sai phạm này, bị cáo Danh cùng cấp dưới còn lập khống hợp đồng thuê mặt bằng tại địa chỉ số 268 Tô Hiến Thành và 806 Sư Vạn Hạnh (TP Hồ Chí Minh) để rút hơn 601 tỷ đồng, rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu thông qua Công ty CP Quỹ Lộc Việt; rút 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại tổng cộng 7.000 tỷ đồng.

Đối với hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, VKSND Cấp cao nhận thấy trong vụ án có 22/36 bị cáo bị truy tố về tội danh này.

Cụ thể: Phạm Công Danh biết với tư cách Chủ tịch HĐQT sẽ không thể vay trực tiếp tại VNCB nên đã chỉ đạo các cấp dưới sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân là Công ty Nhà Quốc Cường và Công ty Nhà Hưng Thịnh để lập 16 bộ hồ sơ vay vốn với phương án kinh doanh khống, phương án trả nợ khống, hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống… để vay của VNCB 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 2.090 tỷ đồng.

Hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo đã được cấp sơ thẩm xem xét nên không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo. Từ đó, VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo kêu oan, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của cả 25 bị cáo, giữ nguyên tội danh và hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Liên quan đến khoản tiền 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, VKS cho rằng khoản tiền này được chuyển từ tài khoản của Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh vào hai ngày 21 và 26-8-2013 là để thực hiện theo thỏa thuận vay giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quí Thanh. Hai khoản vay này được dùng để trả nợ cho khoản vay các ngày 21-6, 26-7 và 30-7-2013. Số tiền hơn 81 tỷ chênh lệch được xác định là khoản lãi mà Phạm Công Danh trả cho Trần Quí Thanh tương tự như những lần vay tiền trước đó.

 Theo trình bày của các bị cáo là cán bộ ngân hàng, VNCB thực hiện việc giải ngân, chuyển tiền trước và hoàn tất hồ sơ sau. Vì vậy, với các ủy nhiệm chi ngày 21 và 26-8-2013 đã được Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Tấn Lộc là các nhân viên của Công ty Tân Hiệp Phát nhận mang về cho Trần Quí Thanh và Trần Ngọc Bích ký xác nhận. Để che giấu hành vi cố ý làm trái, các cán bộ ngân hàng lập các biên bản kiểm tra việc lập các biên bản thể hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, các biên bản này được Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích và các cá nhân đứng tên trên hợp đồng vay ký xác nhận.

“Như vậy, trong 2 ngày 21 và 26-8-2013, với sự giúp sức của Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích, Phạm Công Danh và đồng phạm đã lập các hồ sơ vay giả tạo, thế chấp bằng các sổ tiết kiệm đang thế chấp bảo đảm khoản vay trước đó để rút 5.190 tỷ đồng của VNCB”, VKS nhận định.

VKS cho rằng việc cấp sơ thẩm chưa xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích và hai cán bộ ngân hàng có tên Trần Trọng Nghĩa và Vũ Thị Như Thảo là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Từ đó, VKSND Cấp cao cho rằng cần kiến nghị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét trách nhiệm hình sự của Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích và cán bộ ngân hàng Trần Trọng Nghĩa và Vũ Thị Như Thảo đã giúp sức Phạm Công Danh rút của VNCB 5.190 tỷ đồng.

Cũng trong phần phát biểu quan điểm, VKSND Cấp cao đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân liên quan về việc không đồng ý tuyên thu hồi 5.190 tỷ đồng. Đây là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi. Viện cũng đề nghị HĐXX tuyên chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo về phần dân sự của bị cáo Phạm Công Danh, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng thu hồi lại toàn bộ số tiền mà bị cáo Phạm Công Danh đã chuyển cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích, bà Hứa Thị Phấn.

Theo đó, Viện đề nghị Tòa buộc ông Thanh nộp lại 500 tỷ đồng, Trần Ngọc Bích nộp lại 119 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn nộp lại 135 tỷ đồng giao cho Ngân hàng Xây dựng để đảm bảo thu hồi các khoản vay.

A.Huy
.
.
.