Cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng chiếm đoạt gần 150 tỷ đồng

Thứ Ba, 16/05/2017, 08:09
Lợi dụng chức vụ Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội, Hiển bắt tay với 5 doanh nghiệp ký khống 9 chứng thư bảo lãnh thanh toán để chiếm đoạt số tiền gần 150 tỷ đồng.


Ngày 15-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội. Bị cáo Lê Quý Hiển (40 tuổi, trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Giúp sức cho hành vi phạm tội của Hiển có 14 bị cáo khác, trong số đó 5 bị cáo từng giữ chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ của doanh nghiệp có vốn Nhà nước. 

Bị cáo Hiển và đồng phạm tại phiên xử.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, từ tháng 11-2011 đến tháng 3-2012, Hiển lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao câu kết với Đỗ Thị Trang (39 tuổi, trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại Việt Thanh (viết tắt là Công ty Việt Thanh); Nguyễn Đăng Phương (41 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa), Giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi; Võ Thị Huệ (39 tuổi, trú tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nhật Cường); Nguyễn Tuấn Anh (40 tuổi, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu mới; Nguyễn Tô Hiệu (39 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nhật Nam; Ngô Công Hà (43 tuổi, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thép và vật liệu xây dựng Tân Việt; Phạm Ngọc Nam (40 tuổi, trú tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tổng Giám đốc Công ty TNHH điện tử Hyundai Việt Nam và Hoàng Anh Tuấn (38 tuổi, trú tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh ký, phát hành 9 chứng thư bảo lãnh thanh toán “khống” để thực hiện ký kết các hợp đồng kinh tế dưới hình thức mua hàng trả chậm (thép, xăng, dầu) nhằm chiếm đoạt tài sản và tiền của các công ty bán hàng (bên thụ hưởng bảo lãnh) với tổng giá trị bảo lãnh gần 150 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp, sau đó dùng thủ đoạn gian dối.

Một trong những hành vi vi phạm của Hiển xảy ra vào tháng 11-2011. Khi đó, Trang đã bàn bạc và thống nhất với Hiển ký khống 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán, tương ứng số tiền 18,4 tỷ đồng để Công ty Việt Thanh đủ điều kiện mua bán hàng hóa với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). 

Sau đó, cùng với các chứng thư bảo lãnh thanh toán trên, Trang còn nhờ giám đốc của 2 doanh nghiệp tư nhân xuất các chứng từ nhằm thể hiện Công ty Việt Thanh có các hoạt động kinh doanh thật. 

Sau khi tạo được niềm tin với đối tác, ngày 25-11-2011, Trang lấy tư cách Giám đốc Công ty Việt Thanh ký hợp đồng mua 1.150 tấn thép xây dựng của Hadico với giá trị hơn 19 tỷ đồng, theo hình thức trả chậm. Ngay khi nhận được lô hàng của đối tác, Trang lập tức bán hết và thu tiền về ăn chia với Hiển. Trong số tiền lừa đảo đối tác, Hiển chiếm hưởng hơn 17 tỷ đồng.

Phiên tòa xét xử bị cáo Hiển cùng đồng bọn dự kiến diễn ra trong 4 ngày. Ngày đầu xét xử, do có đông người phải tham gia tố tụng nên HĐXX đã dành toàn bộ thời gian để làm thủ tục phiên tòa và công bố bản cáo trạng.

Trong số 15 bị cáo, bị cáo Hiển, bị cáo Trang và 8 bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 139-BLHS với khung hình phạt cao nhất từ tù chung thân. 5 bị cáo bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 2, Điều 285-BLHS với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù giam.

Bị cáo Hiển và đồng phạm tại phiên xử.
Nguyễn Hưng
.
.
.