Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận trực tiếp chỉ đạo vụ MobiFone mua cổ phần AVG

Thứ Hai, 23/12/2019, 15:53
Tính đến trưa 23-12, tất cả 14 bị cáo và luật sư bào chữa cho họ đều tham tranh tụng và tự bào chữa cho mình...


Chiều 23-12, phiên toà xét xử hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cùng 12 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) chuyển sang phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với các luật sư chiều 23-12.

Đối đáp với bị cáo Nguyễn Bắc Son và các luật sư bào chữa cho bị cáo Son, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nêu quan điểm, tại phần thẩm vấn, bị cáo Son đã thừa nhận hành vi của mình đã phạm vào tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220 BLHS năm 2015) và tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS năm 2015).

Bị cáo Son thừa nhận vai trò định hướng, chỉ đạo xuyên suốt dự án. Nhưng khi tranh luận, các luật sư bào chữa của bị cáo Son lại cho rằng, Viện kiểm sát đánh giá vai trò của bị cáo Son chưa đúng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo quyết liệt khi thực hiện dự án này là không đúng. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị các luật sư đọc lại cáo trạng và bản luận tội để hiểu đúng bản chất.

“Bản cáo trạng truy tố các bị cáo và bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát chưa quy kết bị cáo Son giữ vai trò chủ mưu cầm đầu, mà chỉ đánh giá vai trò của bị cáo Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án. Sáng nay, Viện kiểm sát nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó có nội dung, bị cáo nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc đã xảy ra sai phạm này. Do đó, Viện kiểm sát không tranh luận thêm với các luật sư về vấn đề này”, đại diện Viện kiểm sát khẳng định.

Các luật sư tại phiên đối đáp chiều 23-12.

Về ý kiến của luật sư bào chữa cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có hiện tượng bưng bít thông tin, không thông báo bức thư của bị cáo Son gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án dẫn đến khó khăn cho bị cáo khắc phục hậu quả, đại diện Viện kiểm sát cho biết, bức thư bị cáo Son gửi vợ không phải là lá thư tình mà nó là tài liệu chứng cứ của vụ án. 

Do vậy, chứng cứ này phải được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Về ý kiến, bị cáo Son có ý thức về việc nộp tiền khắc phục hậu quả như cáo trạng đã nêu là đúng. Và điều này được chứng minh qua các biện pháp tố tụng dưới sự kiểm sát của Kiểm sát viên.

Về ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo Son cho rằng, trong biên bản hỏi cung bị can ngày 17-5-2019, điều tra viên không thực hiện việc hỏi- đáp mà có dấu hiệu tẩy xóa chữ viết của luật sư, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, kết quả  kiểm tra cho thấy, biên bản ghi lời khai trên được đánh số bút lục từ 87 đến 900 có trong hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã photo bản cung này và nhận thấy, điều tra viên đã thực hiện lấy lời khai, hỏi-đáp đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với bị cáo và sự tham gia của kiểm sát viên, luật sư. Kết thúc hỏi-đáp, bị cáo Son đã đọc lại biên bản và ghi “đúng lời khai”. 

Do đó ý kiến của luật sư cho rằng, có dấu hiệu tẩy xóa bản cung là không có căn cứ để chứng minh. Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, nếu luật sư thấy điều tra viên có dấu hiệu vi phạm thì cần có ý kiến ngay hoặc thực hiện quyền tố tụng theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại phiên toà này.

Nguyễn Hưng
.
.
.