Các luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Thứ Sáu, 25/05/2018, 09:36
Ngày 24-5, phiên toà xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho hoãn phiên toà, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo luật sư Thủy, bà Phấn năm nay 71 tuổi, vì sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh.

Trước khi bị khởi tố, ngày 6-3-2017, bà Phấn đã phải nhập viện điều trị cho đến hôm nay. Vì vậy, luật sư cho rằng cáo trạng xác định bà Phấn không hợp tác với cơ quan điều tra là không đúng... Về nội dung, cáo trạng ghi bà Phấn có hành vi sử dụng 5.256 tỷ đồng là số tiền thực tế gây thiệt hại trong hành vi cố ý làm trái, nhưng đồng thời cũng ghi nhận có 21 bị cáo trong tổng số các bị cáo là đồng phạm trong tội danh này, từng bị cáo được ghi số tiền cụ thể cho từng người gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín.

Các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án.

Như vậy, nếu cộng số thiệt hại của mỗi bị cáo gây ra sẽ lên đến gần 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là một nghịch lý, không tách bạch, rõ ràng, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo.

Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, Viện Kiểm sát (VKS) cũng như các luật sư của nhóm Phương Trang đều khẳng định, Phương Trang bị bà Phấn lợi dụng cho ký các chứng từ hợp đồng vay trước sau đó không giải ngân cho nhóm Phương Trang mà dùng thủ đoạn chiếm đoạt.

Đặc biệt, Phương Trang chỉ có quan hệ vay tiền tại ngân hàng Đại Tín chứ không có mối quan hệ thân thiết, không có mượn nợ cá nhân của bà Phấn. Tuy nhiên, theo luật sư Thơ những lời trình bày của những người đại diện nhóm Phương Trang là không chính xác. Bởi nhóm Phương Trang đã vay nợ rất nhiều lần từ phía bà Phấn, trong đó có số tiền ông

Phạm Đăng Quan (nguyên TGĐ Công ty Phương Trang) vay 400.000USD, đã từng đến chúc mừng sinh nhật bà Phấn, từng đi làm từ thiện, tặng cho bà Phấn chiếc xe Maybach, mời bà Phấn, con cháu và lãnh đạo ngân hàng Đại Tín đi nước ngoài. Để đáp lại tấm chân tình của nhóm Phương Trang, bà Phấn đã tặng lại cho ông Nguyễn Hữu Luận - Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Trang một căn hộ tại Tòa nhà Topaz 1, khu đô thị Sài Gòn.

Luật sư Thơ cũng đề nghị HĐXX công nhận chiếc USB có đoạn ghi âm trao đổi giữa bà Phấn, ông Luận, ông Quan, ông Trịnh Thanh Cao (người giới thiệu ông Luận với bà Phấn) là chứng cứ, đưa vào để giám định, đánh giá vì cuộc trao đổi này phù hợp với các biên bản ngày 10-3-2012, 14-3-2012 liên quan đến nợ, dự án Bình Điền để làm sáng tỏ vụ án. “Không thể vì quan điểm của VKS cho rằng việc cung cấp USB không có ý kiến của bà Phấn mà bác bỏ”, luật sư Thơ nói.

Đồng quan điểm với luật sư đồng nghiệp, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng số tiền thực nợ của Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín, con số 9.400 tỷ đồng là phù hợp với nội dung bản dịch tài liệu băng ghi âm chứa trong USB luật sư Thơ cung cấp tại toà. Luật sư Tám chứng minh nguồn gốc số tiền bà Phấn và nhóm Phương Trang vay có từ nguồn tiền giải ngân các khoản vay trong số 23 cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ vay tại ngân hàng Đại Tín đã tất toán; tiền được rút từ tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của các cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ; tiền từ nguồn tiền mặt của nhóm Phú Mỹ...

Về trình tự, thủ tục cho vay của ngân hàng Đại Tín khi cho nhóm Phương Trang vay tiền đều được thực hiện đúng quy định. Tất cả 88 hợp đồng vay tín dụng của nhóm Phương Trang tại ngân hàng Đại Tín đều được ngân hàng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay.

Hiện nay, toàn bộ các hồ sơ, chứng từ giao dịch của Phương Trang đều đang được ngân hàng Xây dựng (tên mới của ngân hàng Đại Tín) lưu giữ đầy đủ theo quy định. Chính vì vậy, mới có việc ngân hàng xây dựng đang có 26 vụ kiện nhóm Phương Trang tại tòa án các địa phương.

Về hành vi của bà Phấn cùng những người có liên quan bị truy tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong việc mua, bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng để sử dụng cá nhân.

Theo luật sư Trương Vĩnh Thuỷ, cáo trạng thể hiện nguyên nhân ngân hàng Đại Tín thua lỗ dẫn đến tổng tài sản, vốn chủ sở hữu sụt giảm so với sổ sách tại thời điểm tháng 2-2012 là do ngân hàng trích dự phòng rủi ro bổ sung, xuất toán lãi 5.978 tỷ đồng. Như vậy tại thời điểm mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch vốn chủ sở hữu chưa âm mà còn 3.132 tỷ đồng nên chưa đủ căn cứ để cho rằng số tiền mua nhà được lấy từ nguồn tiền gửi của khách hàng…

Trong khi đó, bào chữa cho các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng giám đốc), Nguyễn Vĩnh Mậu (thành viên HĐQT ngân hàng Đại Tín), các luật sư đều đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân khách quan, hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo này. Họ đều là những người làm công ăn lương, chịu ơn của bà Phấn, làm theo sự chỉ đạo của bà Phấn... từ đó giảm cho các bị cáo một phần hình phạt.

A.Huy
.
.
.