Bức thư cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son gửi gia đình có nội dung gì (?)

Thứ Hai, 23/12/2019, 17:37
Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Son cho rằng, cơ quan điều tra sử dụng lá thư bị cáo viết gửi vợ làm chứng cứ vụ án mà không chuyển cho gia đình. Vậy bức thư bị cáo Son gửi cho gia đình có nội dung gì (?).


Tại phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và các luật sư bào chữa cho bị cáo chiều 23-12 trong phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), đại diện Viện kiểm sát đã khẳng định “Bức thư bị cáo Son gửi vợ không phải là lá thư tình mà nó là tài liệu chứng cứ của vụ án. Do vậy, chứng cứ này phải được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật”.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Quá trình điều tra vụ án này, ngày 14-3, bị cáo Son viết bản tự khai về hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG). Sau đó, bị cáo Son viết thư gửi vợ là bà Lê Thị Lý có nội dung “Anh đã khai báo với cơ quan điều tra về việc sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh 3 triệu USD...”.

Ngày 20-3, cơ quan điều tra đã mời chị Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái bị cáo Son) đến làm việc. Hôm đó, tại biên bản đối chất giữa bị cáo Son và con gái, chị Huyền thừa nhận đã xem lá thư về nguyện vọng khắc phục hậu quả số tiền 3 triệu USD của bố mình. Những buổi làm việc tiếp theo với cơ quan điều tra, bị cáo Son được gặp vợ, con trai và tiếp tục đề nghị gia đình khắc phục số tiền 3 triệu USD đã nhận của Phạm Nhật Vũ. 

Về cáo buộc gia đình bị cáo Son không phối hợp khắc phục hậu quả trong quá trình điều ra vụ án, đại diện Viện kiểm sát dẫn lời của vợ bị cáo Son tại buổi làm việc với cơ quan điều tra. Lúc đó, bà Lý nói có sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng, đây là tiền của cá nhân bà không liên quan đến bị cáo Son. Và số tiền tiết kiệm này bà sử dụng để thuê luật sư bào chữa cho chồng. 

Bà Lý cho rằng, việc cơ quan tố tụng yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện. Quá trình điều tra, bị cáo Son đã đề nghị cơ quan tố tụng kê biên lô đất đứng tên mình ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhưng cơ quan tố tụng thấy rằng, khu đất đó do cha bị cáo Son để lại nên không tiến hành kê biên.

Sau khi chỉ ra những chứng cứ pháp lý liên quan đến việc, trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Son không hợp tác giúp bị cáo khắc phục hậu quả, đại diện Viện kiểm sát khẳng định “Việc bị cáo Son không nộp lại 3 triệu USD là do gia đình bị cáo không hợp tác như cáo trạng đã nêu là có căn cứ. Việc luật sư cho rằng, cơ quan điều tra bưng bít thông tin, giấu lá thư liên quan việc bị cáo Son đề nghị gia đình mình khắc phục hậu quả là không đúng. Nội dung này cáo trạng đã xác định đúng dựa trên các biện pháp tố tụng dưới sự giám sát của kiểm sát viên”. 

Trước đó, trong phiên tòa sáng 21-12, luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Son) trình bày trước toà, ông nhận được đơn của gia đình bị cáo Son có nội dung sẽ thực hiện ý nguyện của bị cáo về việc khắc phục số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ. Kết thúc phần đối đáp của đại diện Viện kiểm sát và luật sư bào chữa cho bị cáo Son, HĐXX cho biết, tính đến ngày 23-12, gia đình bị cáo Son đã khắc phục hậu quả số tiền 21 tỷ đồng.
Nguyễn Hưng
.
.
.