Xử phạt và buộc di dời “núi cát” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Thứ Ba, 18/10/2022, 13:47

Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk buộc doanh nghiệp phải di dời “núi cát” được tập kết trái phép trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô trong vòng 60 ngày.

Liên quan đến phản ánh về “núi cát” được tập kết trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) mà Báo CAND phản ánh, ngày 18/10, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã có kết quả xử lý của đoàn kiểm tra trước đó.

Theo ông Khôi, sau khi báo chí thông tin, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chủ trì cùng các sở ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế tại hiện trường. Qua kiểm tra, đoàn đã ghi nhận tại bãi tập kết số 1 có diện tích 2,6ha (nằm hoàn toàn trong phạm vi hồ chứa nước công trình thủy điện Krông H’Năng) đúng theo phương án kỹ thuật đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Hiện trạng tại thời điểm kiểm tra có khoảng 6.000m3 cát được tập kết trên diện tích hơn 2.000m2.

Xử phạt và buộc di dời “núi cát” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô -0
Toàn cảnh 2 bãi cát tập kết nhìn từ trên cao.

Còn tại bãi tập kết số 2 không có trong phương án kỹ thuật, vị trí cách bãi tập kết số 1 khoảng hơn 400m. Bãi này có diện tích khoảng 11.200m2 với khối lượng tập kết cát 32.000m3, nằm một phần trong phạm vi hồ chứa nước công trình thủy điện Krông H’Năng, một phần nằm trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với diện tích khoảng 700m2.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trước đây bãi tập kết số 2 là đất trống, thời gian trước phần diện tích này đã bị các hộ dân xâm lấn để trồng mì và chuối. “Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng sau khi thi công nạo vét cát toàn bộ đã được tập kết tại 2 bãi, chưa đem đi tiêu thụ sản phẩm. Về tuyến đường vận chuyển sản phẩm nạo vét tại bãi số 1 là tuyến đường nhựa cũ dài khoảng 600m thuộc Quốc lộ  29 trước đây. Sau khi thủy điện Krông H’Năng tích nước thì tuyến đường này người dân vẫn sử dụng để đi lại nuôi và đánh bắt cá. Đoạn đường này cũng phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra rừng của lực lượng kiểm lâm số 6 của Khu bảo tồn Ea Sô”, báo cáo nêu rõ.

Xử phạt và buộc di dời “núi cát” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô -0
Đoàn kiểm tra kiểm tra tại hiện trường tập kết cát.

Cũng theo báo cáo của Sở Công thương, đối với đường dẫn vào bãi tập kết số 2 là đường đất có chiều dài hơn 300m. Đoạn đường này cũng đã có trước khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, là đường dân sinh của một số hộ dân đã xâm lấn trồng chuối. Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng chỉ sử dụng tuyến đường để đưa phương tiện, máy móc ra bờ sông nhằm thực hiện thi công nạo vét.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, doanh nghiệp cũng từng “xin” khu bảo tồn tập kết cát tại bãi số 2 nhưng không được đồng ý. Không rõ do ai “gật đầu” mà doanh nghiệp ngang nhiên tập kết hơn 32.000m3 cát và lãnh đạo khu bảo tồn cũng chỉ xử lý khi báo chí thông tin. Từ kết quả kiểm tra trên, UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định việc doanh nghiệp ngang nhiên tập kết cát trái phép là trái quy định và UBND huyện Ea Kar lập thủ tục xử phạt hành chính, buộc khắc phục hậu quả.

Xử phạt và buộc di dời “núi cát” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô -0
Tuyến đường được mở xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xuống bãi tập kết cát.

Theo đó, UBND huyện Ea Kar đã ban hành quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng với tổng số tiền 150 triệu đồng về hành vi “Lấn chiếm khu bảo tồn vi phạm quy định về đất đai”. Ngoài ra, buộc Công ty này cũng phải đưa hết cát tại bãi tập kết số 2 đi nơi khác, khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong thời gian 60 ngày.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng cho biết, đã nhận được quyết định và chấp hành nộp phạt. Công ty đã đề xuất 2 phương án khắc phục, trong đó có xin chở cát qua tuyến đường xuyên khu bảo tồn nhưng đang chờ UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện.

Theo bản xác nhận khối lượng ngày 4/7/72022 của UBND tỉnh Đắk Lắk thì Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng đã được cho phép tiêu thụ sản phẩm trong quá trình nạo vét là cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Doanh nghiệp có trách nhiệm phải đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế đối với hoạt động thu hồi khoáng sản; kê khai phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định.

Xử phạt và buộc di dời “núi cát” trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô -0
Một trong 2 "núi cát" được tập kết tại hiện trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu trữ thông tin, số liệu qua trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, mua bán tại bến bãi sản phẩm nạo vét. Phải lập các loại sổ sách để ghi chép, cập nhật số liệu, thông tin trong quá trình thu hồi khoáng sản, lưu trữ đầy đủ các hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thu hồi thực tế.

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản doanh nghiệp thực hiện bằng tờ khai quyết toán thuế tài nguyên cuối năm, nộp một lần chậm nhất vào 31/5 của năm kế tiếp. Sau khi có số liệu về sản lượng thu hồi khoáng sản thực tế của đơn vị theo tờ khai quyết toán thuế tài nguyên cuối năm (có xác nhận của cơ quan Thuế), Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các sở, ngành tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Văn Thành
.
.
.