Xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép vẫn “trên nóng, dưới lạnh”

Thứ Hai, 19/12/2022, 04:55

Báo CAND đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau phản ánh của Báo CAND, UBND tỉnh Quảng Trị đều tích cực chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, hiện vẫn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, khiến người dân sinh sống ở những vùng bị sạt lở bờ sông hết sức lo lắng, bức xúc.

 Bà Lê Thị Hoa ở thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị bức xúc phản ánh: “Dưới sông Thạch Hãn, đối diện công trình kè vừa xây dựng các tàu hút cát, sỏi hoạt động từ 3h sáng hàng ngày; trên bờ, những đoàn xe tải “hổ vồ” chạy rầm rập suốt ngày, đêm. Nhiều năm qua, môi trường sống của người dân ở đây bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi bặm và sự bất an”.

tai nguyen 1.jpg -0
Nhiều điểm khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi ở Quảng Trị chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ.

Chúng tôi đến các điểm mỏ khai thác cát, sỏi trên sông Thạch Hãn, ghi nhận có các biển báo về vị trí mỏ, ranh giới khai thác nhưng không thấy lực lượng chức năng quản lý, giám sát quá trình khai thác này. Qua trao đổi, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị thẳng thắn chỉ ra những sai phạm: “Việc cấp phép nạo vét, khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND tỉnh Quảng Trị có lấy ý kiến Sở NN&PTNT; giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Sở Xây dựng phối hợp cùng thực hiện.

Tuy nhiên, việc quan trọng là quá trình nạo vét, khai thác cát, sỏi các doanh nghiệp có thực hiện đúng như giấy phép được cấp hay không? Thực tế những năm qua, những máy hút của các doanh nghiệp này có thể nằm trên bờ hoặc trên sà lan nhưng vòi hút của chúng vươn ra ngoài ranh giới cho phép hàng trăm mét… Không thể để mãi việc doanh nghiệp cứ “bám” vào giấy phép, còn lực lượng chức năng thì bảo “có phép”, gây những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng và đáng tiếc”.

 Chúng tôi tìm hiểu các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi ở đây cho thấy, sau khi được Sở TN&MT đề xuất, UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép khai thác, họ thực tế chỉ chịu sự quản lý, giám sát trên giấy tờ về mặt khối lượng khai thác. Bên cạnh sai phạm về khai thác như vừa đề cập, tại tất cả các bãi tập kết vật liệu này đều không có sự lắp đặt biển báo, hệ thống camera giám sát theo quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị vào cuối năm vừa diễn ra, ông Trần Việt Dũng, đại biểu huyện Triệu Phong đã chất vấn vấn đề này với ông Nguyễn Trường Khoa, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị. Ông Dũng nêu tình trạng các xe có tải trọng lớn chở cát, sỏi lưu thông gây trở ngại cho người tham gia giao thông và hư hỏng công trình giao thông. Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi trên sông đã gây sạt lở 2 bờ sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, đã có trường hợp sạt lở dẫn đến chết người tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tháng 10/2022 vừa qua.

Ông Nguyễn Trường Khoa nói rằng, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư nói chung cũng như các dự án liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được thông qua hội đồng trước khi UBND tỉnh phê duyệt. Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị cũng đã nhiều lần cùng chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn. “Tuy nhiên, hoạt động này cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của tất cả cơ quan chức năng liên quan”, ông Khoa nói thêm.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, có một thực tế là sau khi triển khai các dự án khai thác, nạo vét cát sỏi lòng sông thì xảy ra tình trạng sạt lở 2 bên bờ sông. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, nặng nhất là ở bờ sông Thạch Hãn.

“Phải chăng, trong quá trình đánh giá tác động môi trường, dự báo của chúng ta không sát hoặc là không cụ thể”, ông Quang nêu câu hỏi với các đại biểu dự họp HĐND. Ông Quang cũng chỉ đạo các giám đốc sở, ngành của tỉnh Quảng Trị phải thực sự quyết liệt trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi ở địa phương, không để xảy ra sự lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Thanh Bình
.
.
.