Xử lý nghiêm hành vi ngăn cản cung cấp vật liệu cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam
Với phương châm khai thác vật liệu xây dựng để thi công công trình trọng điểm, nhưng không được quên lợi ích của người dân, hoặc làm ảnh hưởng lớn, gây thiệt hại đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở các điểm khai thác cát phục vụ Dự án cao tốc Bắc-Nam, nên UBND tỉnh Quảng Bình quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc đối với đơn vị khai thác...
Những ngày qua, tỉnh Quảng Bình huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung sức, đồng lòng tháo gỡ vướng mắc để giải phóng mặt bằng cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam (Dự án cao tốc Bắc-Nam). Quảng Bình đặt ra quyết tâm cao nhất là ngày 30/6 bàn giao 100% mặt bằng cho các đơn vị thi công. Để đạt được điều đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương nhiều lần từ phòng họp ra thẳng hiện trường để chỉ đạo. Nhiều người dân trên địa bàn sẵn sàng thực hiện các quy định di dời nhà cửa, cây cối, mồ mả… để bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Điều đáng nói, khi cả chính quyền và đại đa số người dân đang tập trung cao nhất để góp phần thực hiện công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc-Nam, thì có nơi một số người dân luôn tìm cách cản trở việc cung cấp vật liệu để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam. Nhiều lần lãnh đạo địa phương cũng như các ngành chức năng vào cuộc, nhưng vụ việc phức tạp vẫn chưa được giải quyết. Việc ngăn cản cung cấp vật liệu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Phục vụ công trình trọng điểm nhưng không quên lợi ích của người dân
Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài 126,79km; tổng mức đầu tư trên 24.282 tỷ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần là đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ với tổng diện tích thu hồi đất là 1.273,84ha. Để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án theo yêu cầu của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của tỉnh; khẩn trương giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị của người dân liên quan đến dự án.
Đến nay, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Quảng Bình đã ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình đạt 99,54%. Chiều dài mặt bằng đã bàn giao cho các Ban Quản lý dự án là 124,69km, đạt 98,62%, còn lại 1,74km chiếm 1,38% chiều dài công trình đoạn qua tỉnh Quảng Bình chưa bàn giao.
Tỉnh Quảng Bình đang quyết tâm cao nhất để ngày 30/6 sẽ bàn giao 100% mặt bằng cho các đơn vị thi công. Như vậy, bài toán khó nhất khi triển khai Dự án cao tốc Bắc-Nam là giải phóng mặt bằng đã được tỉnh Quảng Bình hoá giải.
Trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan ở Trung ương để chủ động đảm bảo nguồn vật liệu đáp ứng nhu cầu thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam. Sau khi nghiên cứu cụ thể thực tế tại địa bàn, tiến hành họp bàn lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù của Chính phủ.
Hai địa điểm mà UBND tỉnh Quảng Bình quyết định cấp phép khai thác cát trên tuyến sông Son ở địa bàn xã Cự Nẫm và xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch. Trên cơ sở tính toán khoa học, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định cấp vị trí khai thác cát cho Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành) tiến hành khai thác trên sông Son bằng phương pháp lộ thiên, trải dài trên diện tích 18,40ha (vị trí khai thác là các bãi bồi giữa dòng) để cung cấp cát nền cho Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Với phương châm khai thác vật liệu xây dựng để thi công công trình trọng điểm, nhưng không được quên lợi ích của người dân, hoặc làm ảnh hưởng lớn, gây thiệt hại đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở các điểm khai thác cát phục vụ Dự án cao tốc Bắc-Nam, nên UBND tỉnh Quảng Bình quy định rất chặt chẽ, nghiêm khắc đối với đơn vị khai thác cát như: trước khi cấp phép, UBND tỉnh Quảng Bình phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá tác động môi trường, tính toán công suất, khối lượng, phương pháp khai thác, kế hoạch bảo vệ môi trường… và đặc biệt tạm dừng ngay lập tức nếu có hiện tượng sạt lở, hay ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Công ty Phương Thành khai thác sử dụng thuyền máy để hút cát với độ sâu 2,65m (tính từ bề mặt địa hình đáy sông). Thời gian khai thác ban ngày, cấm mọi hoạt động vào ban đêm và những ngày thời tiết bất lợi, lễ, Tết. Chỉ được khai thác vật liệu phục vụ Dự án cao tốc Bắc-Nam, cấm khai thác phục vụ dự án khác.
Đồng thời, cắm đầy đủ các mốc ranh giới mỏ, thực hiện việc khai thác đúng khối lượng, công suất, kế hoạch, phương pháp theo quy định. Thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan...
Trong quá trình triển khai việc khai thác cát trên tuyến sông Son, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu đơn vị khai thác nếu quá trình hút cát phát hiện có hiện tượng sạt lở bờ sông Son trong phạm vi mỏ, thì phải dừng ngay mọi hoạt động và báo cáo chính quyền địa phương cùng Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra nguyên nhân, mức độ tác động đến bờ, lòng và bãi sông để báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
Không ai được phép đứng trên luật pháp
Việc UBND tỉnh Quảng Bình cấp mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù của Chính phủ là nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu thi công Dự án cao tốc Bắc-Nam. Do đó, việc xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác cát trên tuyến sông Son, thuộc địa bàn xã Hưng Trạch và Cự Nẫm, huyện Bố Trạch đã được tính toán kỹ lưỡng, khoa học và bảo đảm an toàn…
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình, Công ty Phương Thành tiến hành khai thác cát để phục vụ Dự án cao tốc Bắc-Nam, nhưng đã vấp phải sự ngăn cản quyết liệt từ một số người dân địa phương tại thôn Thanh Bình 2, xã Hưng Trạch. Thậm chí có đối tượng còn kích động người dân huỷ hoại tài sản của đơn vị thi công, tụ tập đông người gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Điển hình như trong sáng 21/6/2024, có khoảng 50 đến 100 người dân thôn Thanh Bình 2 tụ tập ra vị trí bờ sông reo hò phản đối, một số người dân quá khích mặc áo phao bơi ra giữa dòng với ý định tiếp cận xà lan để ngăn cản hoạt động khai thác cát hợp pháp của đơn vị thi công tại vị trí được cấp phép.
Tiếp đó, trong các ngày 24 và 25/6/2024, đơn vị thi công triển khai hoạt động khai thác cát tại vị trí được cấp mỏ, số người dân quá khích thôn Thanh Bình 2 lại tiếp tục tụ tập để cản trở, gây mất an ninh trật tự. Mặc dù, chính quyền và lực lượng Công an huyện Bố Trạch đã vận động, tuyên truyền nhưng người dân không chấp hành mà tiếp tục có lời nói lăng mạ, hành vi cản trở, ảnh hưởng hoạt động thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam...
Để đảm bảo an ninh trật tự phục vụ khai thác cát xây dựng Dự án cao tốc Bắc-Nam, ngày 26/6/2024, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp - Giám đốc Công an Quảng Bình đã đến kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch. Đồng thời, Giám đốc Công an Quảng Bình đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi một số thông tin với đông đảo bà con nhân dân thôn Thanh Bình 2, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch.
Tại buổi tiếp xúc với người dân địa phương, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp chỉ rõ vấn đề và mong muốn, đề nghị bà con hiểu đúng và tạo sự đồng thuận lớn đối với công trình trọng điểm quốc gia. Giám đốc Công an Quảng Bình nhấn mạnh: việc khai thác cát trên địa bàn chỉ mục đích duy nhất là phục vụ cho việc xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Việc lực lượng Công an có mặt tại hiện trường là để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, chứ không vì mục đích gì khác.
Vì vậy, Giám đốc Công an Quảng Bình mong muốn nhân dân thôn Thanh Bình 2, xã Hưng Trạch đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, nhà nước trong việc xây dựng các công trình trọng điểm, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Giám đốc Công an Quảng Bình cũng yêu cầu lực lượng Công an phối hợp với các cấp, các ngành liên quan kiên quyết xử lý các đối tượng kích động người dân, gây mất an ninh trật tự, cố tình cản trở, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên vật liệu để thực hiện Dự án cao tốc Bắc-Nam.
Công an huyện Bố Trạch nhanh chóng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an Quảng Bình để đánh giá, xác định tính chất, mức độ và các phương án với quan điểm kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại tài sản, kích động, xúi giục bà con chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước và các hành vi vi phạm pháp luật khác.