Vướng mặt bằng, nhiều gói thầu Dự án đô thị xanh ở Thừa Thiên Huế “giậm chân tại chỗ”

Thứ Sáu, 24/05/2024, 05:18

Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (Dự án đô thị xanh) được triển khai tại Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…

Tại Thừa Thiên Huế, theo kế hoạch, cuối tháng 6/2024 này, nhiều gói thầu của Dự án đô thị xanh sẽ phải hoàn thành theo kế hoạch nhưng đến nay, một số gói thầu chậm tiến độ kéo dài mà một phần nguyên nhân là do vướng mặt bằng.

Dự án đô thị xanh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2016 (điều chỉnh năm 2023) bao gồm 10 gói thầu xây lắp. Đến nay, Ban Quản lý dự án (QLDA) đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu với giá trị hơn 1.000 tỷ đồng (chi phí xây lắp). Trong đó, 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng và hiện đang triển khai thi công 8 gói thầu với giá trị thực hiện hơn 597 tỷ đồng (đạt hơn 59% khối lượng xây lắp toàn dự án).

cau-vy-da1.jpg -0
Đến cuối tháng 5/2024, dự án nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Theo Ban QLDA, trong số 10 gói thầu xây lắp, có 6 gói thầu cần giải phóng mặt bằng (GPMB) với 2.750 hộ gia đình và tổ chức bị ảnh hưởng, đã phê duyệt 2.281 hộ gia đình và tổ chức, đạt tỷ lệ 83%. Tổng số tiền đền bù GPMB đã được phê duyệt là hơn 271 tỷ đồng. Số hộ còn lại chưa được phê duyệt 469 hộ gia đình và tổ chức.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường, đặc biệt là đối với các hộ thuộc diện tái định cư. Đơn cử như hạng mục đường 100m nối Khu A và B An Vân Dương địa phận phường Xuân Phú, An Đông (TP Huế), các hộ bị thu hồi đất nhưng mua bán giấy viết tay nên chưa được xét tái định cư và tái định cư cho hộ phụ. Hiện, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế xác minh lại tình trạng sinh sống tại UBND các phường, mới xây dựng bổ sung phương án tái định cư.

Hay tại gói thầu số 28 bao gồm các hạng mục nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, đường 100m nối 2 Khu đô thị A và B An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) với giá trị hợp đồng hơn 109 tỷ đồng, khởi công tháng 7/2021, theo kế hoạch hoàn thành ngày 30/5/2024 do Công ty CP 479 Hòa Bình trúng thầu thi công. Tuy nhiên, giá trị thực hiện lũy kế đến nay mới chỉ khoảng gần 50 tỷ đồng, đạt gần 50% giá trị xây lắp hợp đồng. “Cách đây gần 3 năm khi dự án nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ được triển khai thi công, người dân rất phấn khởi bởi cầu Vỹ Dạ là tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng và thường xuyên xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Vì vậy, sau khi mở rộng cầu sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, nhất là vào mùa mưa bão khi cầu Đập Đá ngập lũ bị cấm đường. Thế nhưng gần 2 năm nay, việc công trình thi công “giậm chân tại chỗ” khiến nhiều người dân rất bức xúc”, anh Nguyễn Văn Thành (trú tại TP Huế) bức xúc, cho hay.

Sau hơn 3 năm thi công ì ạch, mới đây, nhà thầu thi công gói thầu số 28 xin trả lại các hạng mục chưa thi công cho chủ đầu tư. Theo Ban QLDA, nhà thầu cho rằng, không thể triển khai nhiều hạng mục là do vướng công tác GPMB, đặc biệt khu vực phía đường Phạm Văn Đồng (TP Huế) với hơn 35 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thể triển khai được. Công trình ngưng trệ trong thời gian dài, dù đã qua nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan để đẩy nhanh công tác GPMB nhưng tình hình hiện vẫn chưa được cải thiện…

Trước tình hình đó, Ban QLDA đã tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan để xác định khối lượng còn lại chưa thi công của gói thầu số 28. Theo đó, sau khi kiểm tra, rà soát khối lượng hiện trường, các bên thống nhất khối lượng nhà thầu đã thực hiện là 43,357 tỷ đồng. Khối lượng do vướng GPMB cầu Vỹ Dạ là 37,327 tỷ đồng, khối lượng do vướng GPMB cầu Như Ý là 21,913 tỷ đồng và khối lượng do lỗi chủ quan của nhà thầu là 6,266 tỷ đồng. Tháng 4/2024, nhà thầu gói thầu 28 đã có văn bản gửi Ban QLDA các đô thị xanh và cho rằng, sau khi ký kết hợp đồng thi công xây lắp, công ty đã tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, tài chính để thi công gói thầu số 28. Tuy nhiên, hiện nay do công tác GPMB kéo dài và chưa xác định được ngày bàn giao mặt bằng các hạng mục còn lại, gây thiệt hại rất lớn cho nhà thầu. Vì vậy, nhà thầu đề xuất chủ đầu tư xin trả lại khối lượng các hạng mục do vướng mặt bằng của cầu Vỹ Dạ, gồm phần cầu và phần đường. Đồng thời hỗ trợ nhà thầu một phần chi phí về nhân công, thiết bị quản lý, lãi vay, công nợ lớn đối với các đối tác… do thời gian GPMB kéo dài làm thay đổi kế hoạch vật tư thiết bị, giá thành lúc dự thầu.

Liên quan đến các hạng mục nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ, đường 100m nối 2 Khu đô thị A và B An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý) chậm tiến độ kéo dài, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng Chương trình phát triển các đô thị loại II, dự án thành phần tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tại 2 phường Vỹ Dạ và Xuân Phú (TP Huế) còn 64 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Theo Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế, hạng mục nâng cấp cầu Vỹ Dạ hiện tại đã hoàn thành công tác kiểm kê, hồ sơ đã trình UBND các phường xác minh nguồn gốc đất thu hồi. Tuy nhiên, nguyên nhân GPMB chậm là do trước đây, khi thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng cầu Vỹ Dạ (1999), ngoài phần thu hồi xây dựng cầu và mặt đường (19,5m) có thêm phần mái taluy, chưa xác định được đã thu hồi hay chưa nên các địa phương chưa có cơ sở xác minh nguồn gốc đất thu hồi dự án… Bên cạnh đó, người dân ảnh hưởng dự án kiến nghị về giá đền bù, giá đất, tái định cư nên cơ quan chức năng phải giải quyết theo trình tự, thẩm quyền…

Như vậy, việc vướng mắc trong GPMB dẫn đến nhiều gói thầu của Dự án đô thị xanh chậm tiến độ so với hợp đồng trong khi thời gian đã cận kề. Điều đáng nói, việc các gói thầu chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc đi lại, môi trường, đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân cư. Ông Lê Thành Bắc cho biết, đối với những gói thầu của dự án đủ điều kiện thi công sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/6 tới. Đối với những gói thầu vướng về mặt bằng, Ban QLDA sẽ phải làm các thủ tục để xin gia hạn thực hiện.

Hải Lan
.
.
.