Vì sao nhiều phụ nữ các tỉnh phía Nam ngại sinh con?

Thứ Tư, 22/11/2023, 07:45

Hiện nay, tỷ lệ sinh con của chị em phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở mức rất thấp và đang trong tình trạng báo động. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh của TP Hồ Chí Minh là 1,39 con/phụ nữ, đang ở mức thấp nhất cả nước.

Theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, số liệu 4 lần tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất cho thấy, mức sinh của hầu hết các vùng kinh tế - xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm rất sâu. Ông Sơn dẫn chứng: “Hiện mỗi phụ nữ ở Đông Nam bộ chỉ còn 1,56 con thay vì 2,5 con như trước. Còn đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con. Riêng TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 1,53 con/phụ nữ, năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ và năm 2021 tỷ lệ này giảm xuống còn 1,38 con - ngang với mức sinh của các nước thấp nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không còn khả năng hồi phục về mức sinh thay thế”.

Vì sao nhiều phụ nữ các tỉnh phía Nam ngại sinh con? -0

Vì sao chị em ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lại “ngại sinh”? Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Qua điều tra ở các tỉnh phía Nam chúng tôi nhận thấy, thứ nhất, có hơn 91% chị em được điều tra cho biết họ ngại sinh con là chi phí nuôi con lớn và rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng 90% cho biết chi phí về kinh tế không đáng ngại về nỗi lo tinh thần, như họ lo con nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá… Thứ hai, do dân nhập cư nhiều đối với các tỉnh Đông Nam Bộ và xuất cư (đồng bằng sông Cửu Long) đều khó khăn về nhà ở, điều kiện nuôi con, như dân nhập cư phải thuê nhà, con đi học trái tuyến chi phí tăng cao... Ở các tỉnh Nam bộ, việc phải có con trai không nặng nề như ở phía Bắc, dẫn đến mức sinh cũng thấp hơn”.

GS Cử lo ngại, với mức sinh thấp đáng báo động như hiện nay ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dẫn đến nhiều hệ lụy như hội chứng “4-2-1” – tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con. Đối với gia đình, nếu sinh một con có nhiều rủi ro, đôi khi rủi ro xảy ra sẽ trở tay không kịp. Trên thế giới đã có những nước đo lường được rủi ro như: Tai nạn, sa vào tệ nạn xã hội… “Đối với hội chứng “4-2-1” khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, khi còn nhỏ, trẻ được chăm sóc, nâng niu, có khi không biết làm gì, bây giờ phải chăm sóc 6 người thì sẽ không sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như kỹ năng”, GS Cử phân tích.

Đối với cộng đồng, mức sinh thấp có thể dẫn đến nguy cơ 2 trường học phải nhập lại thành một trường. Đồng thời, vị chuyên gia cũng chỉ ra nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hóa dân số (tỉ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao). “Vì vậy, ngay lúc này, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết chênh lệch mức sinh trước khi quá muộn”, ông Mai Trung Sơn lo lắng cho biết.

Theo Cục Dân số, các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ những năm 1960 xuống còn 2,05 con vào năm 2020. Việt Nam hiện có 21 tỉnh có mức sinh thấp và rất thấp, tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Xu hướng của các cặp vợ chồng trẻ ở khu vực này ngày càng “lười” có con.

Ông Hà Đình Đức, Chánh Văn phòng (Bộ Y tế) cho biết, mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hoá dân số ở nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề “già trước khi giàu” khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hoá nhanh chóng cũng cao hơn.

Đại diện Cục Dân số cho biết, đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai, mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khoẻ. Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất… Theo ông Mai Trung Sơn, nếu không có các biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại.

Trần Hằng
.
.
.