Giải phóng mặt bằng dự án cầu vượt biển dài nhất miền Trung:

Vì sao còn vướng 140 hộ dân?

Thứ Ba, 02/07/2024, 04:58

Sau hơn 2 năm thi công, cầu qua cửa biển Thuận An – cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung đã lộ diện rõ hình hài, nhiều trụ cầu đã hoàn thành, vươn cao, khối lượng thi công đạt hơn 60 %. Tuy nhiên, hiện dự án đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân thuộc diện tái định cư (TĐC) vẫn chưa thể di chuyển đến nơi ở mới. Ngoài ra, hiện còn hơn 140 trường hợp đang chờ cơ quan chức năng thẩm định điều kiện bồi thường để cấp đất TĐC...

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu vượt cửa biển Thuận An (TP Huế) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.400 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Dự án có chiều dài tuyến 7,785km, trong đó bao gồm 2,36km chiều dài cầu qua cửa Thuận An. Điểm đầu tuyến từ nút giao quốc lộ 49B - cầu Tam Giang (thuộc xã Hải Dương) và điểm cuối nút giao quốc lộ 49A-49B (thuộc phường Thuận An, TP Huế).

du-an2.jpg -0
Sau khi hoàn thành, cầu vượt biển Thuận An là cây cầu vượt biển dài nhất miền Trung.

Nói về tiến độ triển khai thi công các hạng mục chính của dự án, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay hoàn thành toàn bộ cọc khoan nhồi của mố, trụ; hoàn thành 47/52, các trụ còn lại đang thi công xà mũ; thi công đắp đá hỗn hợp được 2.1/3.2km… Giá trị thực hiện hợp đồng đến cuối tháng 6/2024 đạt 60,4%. Hiện, dự án đang đẩy nhanh tiến độ để sớm thông tuyến vào cuối năm 2024.

Tuy nhiên, hiện khó khăn nhất của dự án là đối với toàn tuyến phía phường Thuận An, hai đầu còn bị vướng mặt bằng nên đường vận chuyển tập kết vật liệu, thiết bị... gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân vẫn chưa di dời để bàn giao mặt bằng để thi công. Được biết, để triển khai dự án này, tại khu vực phường Thuận An (TP Huế), tổng số hộ có đất ở, nhà ở giải tỏa là 229 hộ, số trường hợp bố trí TĐC khoảng 110 trường hợp (trong đó khoảng 80 hộ chính và 30 hộ phụ). Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, quỹ đất TĐC được bố trí cho các hộ bị ảnh hưởng dự án tại Khu TĐC B5 thuộc hạ tầng khu đô thị mới Thuận An (gần trụ sở UBND phường Thuận An). Để đưa người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của công trình cầu vượt cửa biển Thuận An, hiện đơn vị thi công đang tập trung san nền, hạ tầng khu TĐC nhằm sớm đưa các hộ dân đến đây. Theo lãnh đạo UBND TP Huế, người dân rất đồng tình, ủng hộ chủ trương di dời, giải tỏa và cũng mong sớm được về nơi ở mới để ổn định cuộc sống...

Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, trong đợt thứ nhất, UBND tỉnh và thành phố đã yêu cầu khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng 600m đoạn từ chân cầu tại khu vực Thuận An với 54 trường hợp. Đến nay, 37 trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, trong đó có 18 trường hợp đã nhận tiền và ký biên bản bàn giao mặt bằng; 19 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có nhiều hộ không đủ điều kiện bố trí đã có đơn đề nghị thu hồi hết để bố trí TĐC.

Đáng chú ý, có nhiều trường hợp sau khi bị thu hồi đất còn lại diện tích đất nhỏ và đất còn lại thuộc phía biển nên không đảm bảo điều kiện để xây dựng nhà ở. Chẳng hạn như trường hợp hộ ông Huỳnh Oanh (SN 1951, trú tổ dân phố Hải Bình, phường Thuận An) gửi đơn kiến nghị đến UBND TP Huế cho rằng, gia đình ông có nhà ở gắn liền với tài sản trên đất với diện tích 138,3m2 (thửa đất số 103, tờ bản đồ số 11). “Hiện nay, gia đình tôi đã thực hiện và chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc thu hồi đất và nhà gắn liền tài sản trên đất để phục vụ dự án mở đường vành đai biển thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu vượt cửa biển Thuận An. Số diện tích đất và nhà sau khi thu hồi, hiện chỉ còn lại 45m2. Trong khi, gia đình tôi có 3 thế hệ sinh sống, chưa có nhà ở tại địa phương, hoàn cảnh khó khăn nên mong Nhà nước thu hồi 45m2 còn lại để bố trí cho gia đình lô đất tái định cư để xây lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, trong phạm vi giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường, trong số các trường hợp thu hồi đất tại khu vực phường Thuận An, có 23 trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm sau 1/7/2004 bị ảnh hưởng nhà và mất chỗ ở, không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo Khoản 3, Điều 10, Quyết định số 50/QĐ-UBND của UBND tỉnh bao gồm các hộ thu hồi hết đất và còn diện tích đất còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện xây dựng nhà ở. Trong khi đó, về điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở, căn cứ theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và theo Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ cấp phép xây dựng bao gồm một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ngoài điều kiện quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, thửa đất phải có giấy tờ hợp pháp về đất đai. Do đó, khi thu hồi đất phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đảm bảo điều kiện để cấp giấy phép xây dựng… Theo ông Bùi Ngọc Chánh, hiện, cơ quan có thẩm quyền đang thẩm định điều kiện bồi thường về đất để có phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho hơn 140 trường hợp.

Vừa qua, qua kiểm tra tiến độ dự án và khu tái định cư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu, hạng mục nào thuận lợi thì tập trung tiếp tục triển khai; những hạng mục khó cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để từng bước tháo gỡ, nhưng phải trên tinh thần vì cuộc sống người dân. Đồng thời, cần khẩn trương rà soát và có phương án để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Những hộ nào thuận lợi thì có phương án sớm, những hộ còn những vướng mắc tiếp tục tháo gỡ…

Hải Lan
.
.
.