Vì sao cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua Quảng Trị còn vướng mặt bằng?

Thứ Năm, 26/09/2024, 14:41

Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị dài 65,5km, được khởi công xây dựng từ ngày 1/1/2023. Trong đó, đoạn qua Quảng Trị dài 32,5km, qua các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Trong thời gian qua, các địa phương này đã rất tích cực giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, hiện còn 200m qua Công ty CP Lâm sản Quảng Trị tại xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh vẫn giẫm chân tại chỗ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, doanh nghiệp kể trên được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013 với tổng vốn đầu tư 51 tỷ đồng. Năm 2015, công ty này hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc và đi vào hoạt động từ đó đến nay. Ngoài 30 lao động trực tiếp tại nhà máy, công ty còn tạo việc làm, nguồn thu nhập cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn và các địa phương khác trong tỉnh qua việc trồng rừng, bán sản phẩm cho nhà máy.

Quá trình kiểm tra để di dời nhà máy, tỉnh Quảng Trị đã có Thông báo số 73/TB-UBND ngày 6/4/2023 về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng với nội dung yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh sớm hoàn thành việc áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản của Công ty CP Lâm sản Quảng Trị; rà soát quỹ đất phù hợp để tạo điều kiện di dời, xây dựng lại nhà máy, đảm bảo không gián đoạn việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trải qua 18 tháng thực hiện, đến nay công tác GPMB của UBND huyện Vĩnh Linh tại vị trí kể trên vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn. Lãnh đạo UBND huyện này cho biết, quá trình kiểm tra, áp giá, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) huyện đã thực hiện đảm bảo các yếu tố pháp luật có liên quan. Trong đó, tổng tất cả các khoản bồi thường và hỗ trợ là hơn 20 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp không chấp nhận.

Vì sao cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua Quảng Trị còn vướng mặt bằng?  -0
Công ty CP Lâm sản Quảng Trị nơi cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua. 

Ông Nguyễn Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm sản Quảng Trị cho rằng, sở dĩ công ty chưa đồng ý là do những kiến nghị trong việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC chưa được giải quyết thỏa đáng. Cụ thể, cơ quan chức năng chưa giao đất và mặt bằng TĐC đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật, giấy tờ thủ tục pháp lý cho công ty. Một số tài sản bị áp giá bồi thường thấp so với thực tế và các quy định pháp luật liên quan.

Ngoài ra, cơ quan chức năng chưa thực hiện việc bảo đảm hỗ trợ cán bộ, công nhân viên và người lao động trong thời gian tạm ngừng sản xuất để di dời và xây dựng lại nhà máy.

Được biết, công ty kể trên thuộc diện được bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, tại Khoản 7, Điều 26 và mục a, Khoản 1, Điều 34 Luật đất đai năm 2024. Đồng thời, theo Nghị định 06/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 17, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, công ty này được áp dụng bồi thường, hỗ trợ, TĐC tại Khoản 1, Điều 17 sửa đổi này.

Trong đó bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho doanh nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh sẽ sớm chủ trì một phiên họp giữa chính quyền, cơ quan chức năng liên quan của huyện Vĩnh Linh và doanh nghiệp để giải quyết sự việc theo hướng rà soát lại việc áp giá bồi thường, hỗ trợ đối với các tài sản của doanh nghiệp; xây dựng phương án và cam kết về bồi thường, hỗ trợ trong quá trình di dời, tạm dừng sản xuất, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ pháp lý cho doanh nghiệp thuê đất xây dựng lại nhà máy đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Thanh Bình
.
.
.